MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

5 "nút thắt" cần tháo gỡ để nông nghiệp công nghệ cao bứt phá

Vũ Long LDO | 25/08/2020 21:48

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đưa ra thị trường nguồn cung nông sản sạch là nhiệm vụ luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm.

Chia sẻ với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Xác định nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề cốt yếu của một nền nông nghiệp không chỉ sạch mà còn năng suất cao, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Các chính sách của Chính phủ đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, nâng cao trình độ sản xuất, hình thành các tập đoàn nông sản mạnh theo chuỗi, giúp nông sản Việt Nam tăng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, ổn định thị trường trong nước, vươn tầm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Điển hình, một số doanh nghiệp lớn như: Công ty VinEco; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phát Fruit, Nafoods, TH true milk, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…. Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581.

Nhiều doanh nghiệp đã được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tại các địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn và nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông lâm thủy sản quy mô tập trung, nông dân liên kết sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến khép kín, an toàn môi trường, đạt năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, hình thành các loại hình kinh tế tập thể hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao.

Đến hết tháng 5.2020, cả nước có 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng số 15.592 hợp tác xã nông nghiệp.

Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã hỗ trợ thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo hạt nhân về công nghệ cho một số vùng sinh thái nông nghiệp (tại Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang).

Bên cạnh đó, một số địa phương như TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh... đã chủ động thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư, hình thành nên hạt nhân về công nghệ chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho tỉnh, vùng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản.

5 “nút thắt” cần tháo gỡ để phát triển

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nguyên nhân có nhiều, nhưng nút thắt đầu tiên phải nói đến vốn. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đầu tư nguồn vốn rất lớn để xây dựng hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn do tính rủi ro cao trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các ngân hàng thương mại ngại cho vay. Tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm mô hình trồng lúa công nghệ cao. Ảnh: Văn Giang

Hai là, khó khăn về đất đai. Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần phải có đất đai quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông. Quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; thủ tục thuê, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều thủ tục gây phiền hà.

Ba là, khó khăn về thị trường tiêu thụ. Hiện nay ở nước ta thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Bốn là, khó khăn về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thực tế cho thấy, năng lực nội sinh lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất được nội địa hoá để giảm giá thành. Công nghệ chế biến sâu chưa làm chủ được, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài...

Năm là, khó khăn về chính sách. Một số chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay; chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu khó tiếp cận...

"Trong các nguyên nhân nêu trên, việc tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người sản xuất chưa trở thành phổ biến và chủ đạo, dẫn đến kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao. Đây chính là nút thắt lớn cản trở quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hàng hóa quy mô lớn tại Việt Nam" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn