MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
50% quảng cáo truyền thông đang chảy vào các nền tảng số xuyên biên giới. Ảnh: Thùy Trang

50% quảng cáo truyền thông đang chảy vào các nền tảng số xuyên biên giới

THÙY TRANG LDO | 21/09/2023 16:21

Doanh thu của truyền thông tại Việt Nam đạt con số vài tỉ USD, tuy nhiên 50% này đang chảy vào các nền tảng số xuyên biên giới thay vì các kênh thông tin báo chí chính thống với lượng tri thức lớn.

Tại hội thảo “"ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số" được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 21.9, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 800 cơ quan thông tấn và gần 1 triệu bài báo được đăng lên hàng ngày.

Điều này thể hiện sự phong phú, đa dạng về thông tin và bằng cách áp dụng các công cụ kỹ thuật phân tích dữ liệu có thể xác định được xu hướng các mối tương quan, các hiểu biết quan trọng từ nguồn dữ liệu này. Việc biến kho thông tin này thành một cơ sở dữ liệu lớn sẽ cung cấp một nền tảng khai thác kiến thức.

Doanh thu trong lĩnh vực truyền thông thì đạt gần 4 tỉ USD và nó thể hiện sự tăng trưởng, tiềm năng của ngành truyền thông cho việc tạo ra các giá trị kinh tế. Tuy nhiên, đến 50% giá trị quảng cáo và đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới. Và các dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập. Điều này khiến các cơ quan thông tấn và truyền thông trong nước đang mất nguồn thu lớn.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí  (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin về thách thức truyền thông số Việt Nam khi mất nguồn thu quảng cáo. Ảnh: Nguyên Thi

Do đó, ông Phúc cho rằng, dòng trí thức cần chuyển hướng sang các nền tảng trong nước để thông tin tri thức từ kho dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng nhằm tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội. Đây là giải pháp nhằm khai thác lợi ích của dữ liệu và xây dựng nền tảng tri thức.

Với sự khuyến khích, hỗ trợ của chính phủ, Việt Nam có tiềm năng để chuyển hóa lượng thông tin từ các hãng thông tấn thành cơ sở dữ liệu lớn để tạo ra kiến thức.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần thay đổi và thích nghi. Quá trình này bắt đầu từ các lãnh đạo các cơ quan truyền thông với sự thúc đẩy và hỗ trợ của chính phủ trong việc hướng dẫn các nguồn quảng cáo hướng tới các nền tảng kỹ thuật số trong nước .

Về thể chế thì phải đạt được sự thay đổi trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, phải xây dựng được chiến lược truyền thông số báo chí. Do đó vào ngày 6.4 vừa qua, một quyết định về lĩnh vực chuyển đổi số của báo chí đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 đã được ban hành. Đây là bước đi quan trọng trong sự định hướng về sự phát triển các hãng thông tấn trong quá trình chuyển đổi số.

“Chính phủ cần nắm chắc về sức khỏe của báo chí để biết cần làm gì để hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của báo chí. Bộ thông tin truyền thông cũng đã công bố tiêu chí đánh giá, đo lường về chuyển đổi số báo chí và nó được ứng dụng cho tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam. Công cụ đánh giá này nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định được tình hình thực tế của mình và họ cần phải làm gì và cần phải thích nghi để tồn tại cũng như thông báo cho chính phủ biết họ cần những hỗ trợ gì, điều kiện gì.

Các chỉ số này có thể giúp các cơ quan báo chí xác định được giai đoạn nào họ sẽ thực hiện chuyển đổi số và giai đoạn nào họ đang tham gia từ đó họ có thể xây dựng lộ trình của kế hoạch giải pháp phù hợp về chuyển đổi số hiệu quả và thực hiện thành công chiến lược 2025-2023” – ông Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn