MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch bệnh COVID-19 được khống chế hiệu quả giúp ổn định sản xuất đã góp phần tăng trưởng GDP năm 2020. Ảnh: Vũ Long

6 giải pháp trọng tâm để tạo đà tăng trưởng năm 2021

Vũ Long LDO | 27/12/2020 19:01

Chiều 27.12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã đưa ra 6 giải pháp trọng tâm để đạt mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2021.

Chủ trì cuộc họp báo chiều 27.12, sau khi đưa ra các đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh:

Bước sang năm 2021, các ngành, các cấp và các địa phương phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo.

Theo đó, cùng với việc giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hai là, ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”;

Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 10 năm gần đây. Nguồn: TCTK
Ba là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.

Bốn là, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.

Đánh giá tăng trưởng kinh tế, xã hội năm 2020. Nguồn: TCTK

Năm là, xây dựng định hướng cụ thể về thị trường đầu ra trên cơ sở đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản sạch theo các hợp đồng bao tiêu ổn định và có tính pháp lý cao là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đứng vững khi tham gia cạnh tranh với các nước trong giai đoạn hội nhập.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm;

Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ...

"Tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu"

(Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn