MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong những thương nhân phân phối xăng dầu vừa bị thu hồi giấy phép hoạt động. Ảnh: Vĩnh Phúc

6 thương nhân phân phối xăng dầu chính thức bị thu hồi giấy phép

Cường Ngô LDO | 02/02/2023 09:53

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân.

Các thương nhân bị thu hồi bao gồm: Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty CP Thương mại dầu khí Đại Long, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và vận tải Quảng Hà, Công ty CP xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang.

Quyết định thu hồi có hiệu lực kể từ ngày 27.2.2023. Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp gửi bản chính Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối về Bộ Công Thương trước ngày 15.3.2023.

Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc, hoặc thông qua các thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.

Do đó, sau khi thương nhân phân phối bị thu hồi giấy phép, các đại lý trực thuộc hoặc các thương nhân nhượng quyền bán lẻ phải tìm nhà cung cấp khác, bởi hiện nay, các đối tượng trên chỉ được lấy hàng từ một nguồn duy nhất.

Trước đó, ngày 31.8.2022, Chánh Thanh tra Bộ ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và một số công ty con, đơn vị trực thuộc của thương nhân đầu mối.

Trong đó, ngoài hình thức phạt tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 5 thương nhân đầu mối (Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu) trong thời gian 1 tháng.

Tuy nhiên, ngày 6.9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối có hành vi vi phạm.

Hồi tháng 7.2022, Thanh tra Chính phủ cũng có công văn gửi một số bộ ngành về việc cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.

Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ còn "gọi tên" nhiều tập đoàn, tổng công ty và các thương nhân đầu mối xăng dầu… Thanh tra Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp này phải báo cáo các tài liệu về kinh doanh xăng dầu cho tổ công tác làm việc, thu thập thông tin.

Ở miền Bắc, những "ông lớn" được gọi tên có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội; Công ty TNHH Petro Bình Minh; Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh.

Miền Trung có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

Miền Nam có 7 doanh nghiệp, bao gồm: Tổng Công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP; Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn