MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại họp báo

6.000 container phế liệu nhập khẩu ứ đọng tại 2 cảng biển, Bộ TN&MT nói gì?

Thảo Anh LDO | 18/07/2018 15:24

Việc Trung Quốc dừng nhập khẩu phế liệu đã khiến cho một số lượng lớn hàng phế liệu từ các nước phát triển tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&TM) cho biết tính đến cuối tháng 6.2018, chỉ tính riêng các cảng tại TP.HCM và Hải Phòng đã có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng.

“Có khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% là phế liệu nhựa và phế liệu khác” - ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.

Theo ông Thức, hiện nay, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội. Nó không những làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa mà còn làm giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quan.

Về nguyên nhân, Bộ TN&MT cho biết, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy.

Việc này dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.

Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, có nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển, đặc biệt là tại cảng Cát Lái.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có dấu hiệu gian lận thương mại như: Giả mạo Giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác,...

Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa. 

Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chủ trì cuộc họp đã có cuộc họp thống nhất có sự phối hợp liên ngành để giải quyết triệt để.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan môi trường. Bộ Giao thông vận tải có văn bản thông báo cho các hãng tàu yêu cầu kiểm tra Giấy xác nhận của chủ lô hàng phế liệu trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT rà soát và rút ngắn thời gian cấp Giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường áp dụng cơ chế Hải quan ASEAN một cửa trên môi trường mạng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn