MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

7 "ông lớn" bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu: Sau tước có thu hồi?

Cường Ngô LDO | 11/08/2022 13:47
Đáng chú ý, trong số 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa bị tước giấy phép thì có 2 doanh nghiệp đã từng bị tước giấy phép kinh doanh do vướng phải lùm xùm buôn lậu xăng dầu hồi năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi có đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp này lại tiếp tục bị thu hồi giấy phép.

Doanh nghiệp lên tiếng việc tước giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp đầu mối

Như Báo Lao Động đã phản ánh trong bài viết trước, hiện có 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động.

Theo nguồn tin của Lao Động, ngày 10.8, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về việc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của một số thương nhân đầu mối. 

Theo Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, doanh nghiệp này đang thực hiện bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo các hợp đồng kinh tế với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong năm 2022, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn đã ký kết và triển khai thực hiện 22 hợp đồng dài hạn (Hợp đồng term) với 22 khách hàng là các thương nhân đầu mối trên cả nước.

Theo thông tin cập nhật từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, có một số thương nhân đầu mối đang ở tình trạng bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Trong đó có cả các thương nhân đầu mối đang là khách hàng của Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, hoặc đang đề nghị đàm phán để trở thành khách hàng của doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu. Ảnh chụp màn hình 

Do vậy, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn, chỉ đạo về quyền mua các sản phẩm xăng dầu của các thương nhân đầu mối này từ nhà máy lọc dầu trong nước do Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn bao tiêu.

Việc này làm cơ sở để doanh nghiệp này tuân thủ đúng Nghị định 95 của Chính phủ trong quá trình thực hiện tiêu thụ sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêu thụ, giải phóng sản phẩm xăng dầu Nghi Sơn giai đoạn hiện nay.

Theo chia sẻ của một số thương nhân xuất, nhập khẩu xăng dầu, chính vì không có thông tin, không biết chuyện các thương nhân nêu trên bị tước giấy phép, cho nên một số nhà máy lọc dầu, thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu vẫn giao dịch, mua bán (theo hợp đồng đã ký) với các thương nhân đầu mối bị tước giấy phép sau ngày 25.7.2022 tới trước ngày Bộ Công Thương đăng tải thông tin. Việc giao dịch, mua bán như vậy được cho là mua bán trái phép xăng dầu, hoặc xuất nhập khẩu lậu xăng dầu.

"Lẽ ra khi tước giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, phải thông báo trước ít nhất 10 ngày để nhà máy lọc dầu, thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu dừng ngay giao dịch mua bán, kinh doanh với các thương nhân đầu mối bị tước.

Còn các tổng đại lý, đại lý của những thương nhân đầu mối bị tước giấy phép chuyển đổi nguồn, lấy hàng từ những thương nhân đầu mối không bị tước giấy phép", một thương nhân đầu mối cho biết.

Lỗ hổng quản lý

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, trong số 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa bị tước giấy phép, có 2 doanh nghiệp đã từng bị tước giấy phép kinh doanh do vướng phải lùm xùm buôn lậu xăng dầu hồi năm ngoái, sau đó được phục hồi giấy phép. Tuy nhiên, sau khi có đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành, những doanh nghiệp này lại tiếp tục bị thu hồi giấy phép.

Vị này phân tích, theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân xuất, nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo có 40 đại lý và 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu.

Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã từng bị tước giấy phép hoạt động xăng dầu vào tháng 4 năm ngoái do liên quan đến vụ buôn lậu xăng dầu. Ảnh: V.T 

"Khi những thương nhân đầu mối này bị tước giấy phép kinh doanh, buộc những đại lý phải tìm nguồn thay thế, nếu không sẽ phải đối diện với việc đóng cửa hàng, ngừng kinh doanh.

Chính vì vậy, rất khó để cho những thương nhân đầu mối có đủ điều kiện để được cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời gian ngắn", theo đại diện doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Qua đó, vị này cho rằng, khi doanh nghiệp đã nhiều lần bị tước giấy phép, cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng xem có đủ điều kiện hay không? Nếu không đủ điều kiện, dứt khoát phải thu hồi giấy phép để làm trong sạch, lành mạnh thị trường. Đồng thời công tác hậu kiểm cần phải được triển khai quyết liệt, tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Vị này cũng thắc mắc tại sao có doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị tước giấy phép trước đó do liên quan đến vấn đề buôn lậu xăng dầu, nhưng chỉ vài tháng sau, những doanh nghiệp đó lại được Bộ Công Thương phục hồi, cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu. Sau khi có đoàn thanh kiểm tra chuyên ngành, thì đến tháng 7 vừa qua lại tiếp tục tước giấy phép của họ.

"Tôi cho rằng đoàn thanh tra của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ cần xem xét lại việc cấp phép này có đúng quy trình và thủ tục theo Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu không. Nếu có sai sót thì cần xử lý theo các quy định của pháp luật để làm trong sạch, lành mạnh thị trường", vị chuyên gia cho hay.

Cũng theo tài liệu của Báo Lao Động, Bộ Công Thương vừa qua đã ban hành Quyết định về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Đoàn thanh tra của Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý, quyết định này, ngoài được gửi cho các cá nhân, đơn vị liên quan, còn được gửi cho cả Thanh tra Chính phủ.

Đoàn thanh tra sẽ làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt sẽ thanh tra các điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, như giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn