MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

8 mẹo quản lý tài chính thông minh các tỉ phú ước được biết khi ở tuổi 20

Đức Mạnh LDO | 01/03/2022 13:49
Những tỉ phú giàu có trên thế giới như Warren Buffett, Oprah Winfrey, Bill Gates… đều là những “bậc thầy” trong quản lý tài chính cá nhân. Dưới đây là 8 mẹo quản lý tài chính cá nhân họ ước mình đã được biết khi ở tuổi 20 để kiểm soát tiền bạc tốt hơn, được các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) chia sẻ.

1. Sống dưới thu nhập để củng cố khả năng tài chính

Lời khuyên quản lý tài chính cá nhân đầu tiên là tập trung vào những khoản chi cần thiết, cắt giảm mọi chi tiêu không thiết yếu cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường.

Một người có thể chuyển sang ở một ngôi nhà nhỏ hơn, xe tiết kiệm xăng hơn, giảm mua sắm quần áo, ăn hàng ít lại... Sống dưới mức thu nhập có thể giúp bạn tiết kiệm thêm tiền cho những mục tiêu quan trọng hơn.

2. Xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp trước khi đầu tư

Quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn như ốm đau, bệnh tật, gia đình xảy ra biến cố... Theo các chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh, mỗi người cần chuẩn bị một quỹ khẩn cấp bằng ít nhất 6 tháng thu nhập.

Thời điểm tốt nhất để tiết kiệm là ngay sau khi nhận lương với khoảng bằng 10% đến 20% thu nhập hàng tháng.

Tiết kiệm cũng giúp tiền của bạn không bị ràng buộc trong một khoản đầu tư vẫn có khả năng lỗ. Khi đã xây dựng đủ quỹ tiết kiệm thì một người mới nên đầu tư.

3. Tạo nhiều nguồn thu nhập

Theo chuyên gia tài chính cá nhân TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, mỗi người không nên phụ thuộc hoàn toàn vào một khoản thu nhập. Đa dạng hoá dòng tiền sẽ tăng khả năng an toàn tài chính, giảm thiểu rủi ro và giúp gia tăng tài sản nhanh chóng.

4. Vay tiền nếu thực sự cần thiết

Nếu hoàn cảnh bắt buộc mà chưa có đủ tiền thì bạn nên xem xét vay thêm. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ về các chi phí liên quan, chẳng hạn như lãi suất, mức phạt nếu trả muộn...

Ảnh minh hoạ: Shutterstock 

5. Kiểm tra sức khỏe tài chính thường xuyên

Giống như khám sức khoẻ định kỳ, sức khoẻ tài chính cũng nên được "thăm khám" liên tục. Bạn cần kiểm tra xem chi tiêu thay đổi như nào trong thời gian nhất định, tiến độ trả nợ, khoản đầu tư đang diễn biến ra sao, mục tiêu tài chính thực hiện được bao nhiều phần trăm... Từ đó cân đối ngân sách và tiến hành điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ghi chép trên giấy, bạn có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng để cập nhật liên tục và xem lại dễ dàng.

6. Sử dụng phương pháp quản lý chi tiêu phù hợp

Không phải phương pháp quản lý tài chính nào cũng đều phù hợp với mọi người, đó là lý do tại sao bạn cần phải tự tìm ra sự lựa chọn phù hợp nhất. Có rất nhiều quy tắc có thể kể ra như 6 chiếc lọ, 50/20/30 (xem chi tiết tại đây)...

Tuy nhiên, dù bạn chọn nguyên tắc nào thì hãy đảm bảo kiên trì theo sát và kiểm tra tiến độ thường xuyên.

7. Lên kế hoạch nghỉ hưu 

10 năm, 20 năm, 30 năm nữa bạn sẽ ra sao? Khi nghỉ hưu bạn sẽ dùng tiền gì để sống? là những câu hỏi mỗi người cần tự đặt và tự trả lời sớm nhất có thể. Càng nhiều thời gian tiết kiệm cho quỹ hưu trí, tuổi già càng thêm an nhàn.

Trước hết, bạn cần tính xem về hưu mình cần bao nhiêu tiền để sống dựa theo chi tiêu và thu nhập hàng tháng hiện tại. Sau đó tiến hành bỏ tiền vào quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ... (tuỳ theo nhu cầu). Cuối cùng là học cách đầu tư để tiền sinh sôi theo kịp tốc độ của lạm phát và âm thầm gia tăng khi về già. Đây còn gọi là bài toán lãi suất kép.

8. Tìm hiểu thêm về tài chính cá nhân

Cuối cùng là không ngừng học hỏi, đặc biệt tài chính cá nhân! Quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết với mỗi người, không kể giàu nghèo. Càng biết sớm, càng nhanh giành được quyền kiểm soát đồng tiền.

Ngày nay, việc học mọi thứ trở nên dễ dàng hơn thông qua mạng Internet.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, quý độc giả đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được đăng tải trên laodong.vn vào tối thứ Năm hàng tuần, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Chương trình Tài chính thông minh do Báo Lao Động và Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam phối hợp thực hiện!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn