MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêu độc khử trùng, giữ vệ sinh chuồng trại nhằm giảm nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh cho lợn. (Ảnh minh họa)

95 ổ dịch tại Trung Quốc, dịch tả lợn Châu Phi ngấp nghé Việt Nam

L.V LDO | 29/12/2018 14:00

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, hiện Trung Quốc đã có tới 95 ổ dịch tại 23 tỉnh. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi đã lan đến các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Nguy cơ dịch bệnh này xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao.

Thế giới đã tiêu hủy trên 982 nghìn con lợn

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 21.12.2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bungari, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D'Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, Estonia, Hungari, Kenia, Latvia, Litva, Mondova, Nigieria, Ba Lan, Rumani, Liên Bang Nga, Nam Phi, Ucraina và Zambia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 982 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, cũng theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), kể từ ngày đầu tiên phát hiện dịch (ngày 3.8.2018) đến ngày 21.12.2018, Trung Quốc thông báo tổng cộng có trên 95 ổ dịch xuất hiện tại 23 tỉnh.

Lực lượng chức năng bắt giữ và tiêu hủy lợn nhập lậu tại Quảng Ninh. Ảnh: PV

Các địa phương có dịch bệnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Quý Châu, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Thiên Tân, Trùng Khánh, Khu tự trị Nội Mông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiểm Tây, Thanh Hải và Quảng Đông. Tổng cộng đã có hơn 630 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Việt Nam chưa phát hiện bệnh dịch, nhưng nguy cơ rất cao

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh... là rất cao.

Đặc biệt trong bối cảnh tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa virus bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.  

Do đó, công tác chủ động phòng chống dịch cần được đặc biệt chú trọng.  Bộ NNPTNT yêu cầu Cục Thú y phối hợp với các Sở NNPTNT, các địa phương theo dõi, cập nhật tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở các nước trên thế giới; triển khai các chỉ thị, công điện, công văn về ứng phó, phòng dịch tả lợn Châu Phi, sẵn sàng các phương án dập dịch hiệu quả (nếu có).

Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Tại nhiều tỉnh như Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang…, do quy mô chăn nuôi phát triển, lại là cửa ngõ giao thương lớn, nhất là giao thương qua đường tiểu  ngạch với bà con bên kia biên giới, nên nguy cơ virus tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam qua các sản phẩm thịt lợn, thực phẩm chế biến từ thịt lợn, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi… là rất cao.

Tại Hưng Yên, cơ quan NNPTNT tỉnh cũng đang đẩy mạnh đề phòng dịch, bởi Hưng Yên là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, có 23 km quốc lộ 5A và trên 20km tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua.

Theo ông Nguyễn Quang Tuân- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là hơn 500.000 con. Việc buôn bán, giết mổ và đặc biệt là vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn trong tỉnh ra Hà Nội và từ tỉnh ngoài vào phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn