MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Agifish: Chú cá ngược dòng về vùng nước lỗ

Đại Hà LDO | 21/08/2022 16:55

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish, mã chứng khoán: AGF) vừa công bố báo cáo soát xét nửa đầu năm 2022 với tình hình không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ.

Khó khăn của Agifish vẫn tiếp tục kéo dài qua quý I đến quý II năm nay. Ảnh: DN
Tụt dốc không phanh

Theo bảng cân đối kế toán giữa niên độ của Agifish, đến 30.6.2022, tài sản ngắn hạn của Agifish giảm 27% so với đầu năm về 144,5 tỉ đồng. Công ty cũng phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 550 tỉ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 4 tỉ đồng. Một khoản đầu tư tài chính dài hạn 212,6 triệu đồng cũng phải trích lập dự phòng giảm giá toàn bộ.

Tổng tài sản của AGF đến thời điểm này giảm 16% so với đầu năm về hơn 359 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả đến 30.6.2022 là hơn 524 tỉ đồng, trong đó 99% là nợ ngắn hạn.

Đến thời điểm này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Agifish vẫn âm hơn 600 triệu đồng, lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư dù giảm mạnh nhưng vẫn âm hơn 52 triệu đồng và lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính cũng âm hơn 10 tỉ đồng. Đến giữa năm nay, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm gần 17 tỉ đồng và công ty chỉ có chưa được 4,5 tỉ đồng tiền và tương đương tiền.

Báo cáo soát xét nửa đầu năm 2022 do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thực hiện đã đánh giá Agifish lỗ lũy kế hơn 859 tỉ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 375 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165 tỉ đồng, đồng thời kết quả kinh doanh trong kỳ lỗ gần 12 tỉ đồng.

Những sự kiện và biến động con số trên đây khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Agifish.

 Thua lỗ liên miên

Agifish đi vào hoạt động từ năm 1987 và từng là ngọn cờ đầu của ngành cá tra Việt Nam, có lúc vượt Vĩnh Hoàn (thành lập năm 1997). Giai đoạn mới cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tích cực, nhưng từ năm 2015 trở lại đây bắt đầu đi xuống và dần chìm trong thua lỗ.

Lãnh đạo công ty này từng lý giải, từ cuối năm 2015, thị trường Mỹ và Châu Âu tiêu thụ mạnh cá fillet, công ty đầu tư vùng nuôi hơn 110ha, sản lượng hơn 60.000 tấn. Nhưng từ năm 2016, việc xuất khẩu vào Mỹ gặp khó khăn do Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống phá giá cá fillet quá cao, dẫn đến tồn đọng nguyên liệu dưới ao, hệ quả công ty chịu lỗ hơn 500 tỉ đồng.

Đến năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng trầm trọng khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khó chồng khó”. Khó khăn của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục kéo dài qua quý I đến quý II năm nay.

Trong Báo cáo soát xét nửa đầu năm 2022, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC còn nêu điểm ngoại trừ liên quan đến kho lạnh Mỹ Thới. Cụ thể, Agifish đã nhận chuyển nhượng 19.674m2đất và tài sản trên đất (là kho lạnh Mỹ Thới) từ Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Delta AGF với tổng giá trị chuyển nhượng là 120 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, công ty vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để nhận chuyển nhượng khu đất nói trên.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến dự án vùng nuôi Nhơn Hòa tại ngày 30.6 vẫn chưa được hoàn tất do diện tích hơn 72.362m2đất nuôi trồng thủy sản vẫn chưa có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.

Được biết, năm nay, Agifish đặt mục tiêu doanh thu đạt 750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế có lãi 12 tỉ đồng. Với kết quả này, đã hết nửa năm công ty mới thực hiện được 1/4 chỉ tiêu doanh thu và còn cách khá xa mục tiêu có lãi trong khi các doanh nghiệp trong ngành lần lượt báo lãi lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn