MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy sản xuất điện thoại của VinSmart tại Hải Phòng. Nguồn ảnh: VinSmart.

Ai hưởng lợi từ “phần bánh” khi VinSmart ngừng sản xuất smartphone?

Thế Lâm LDO | 11/05/2021 12:06

Thông tin VinSmart – nhánh sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử của VinGroup – ngừng sản xuất điện thoại và tivi để dồn lực cho VinFast lại là tin vui cho các đối thủ trên thị trường.

“Phần bánh” 10% thị phần

Khi VinSmart đóng mảng sản xuất điện thoại và dừng cuộc chơi đối với sản phẩm này thì cũng đồng nghĩa, thị phần VinSmart đã chiếm lĩnh lâu nay sẽ tạm thời là khoảng trống.

Khoảng trống này không có nghĩa là sẽ tạo ra tình trạng khan hàng, cung không đủ cầu trên thị trường smartphone tại Việt Nam. Thậm chí ngược lại, thị trường smartphone tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã đi vào giai đoạn bão hòa, lượng tiêu thụ năm 2020 giảm so với năm 2019, năm 2021 được kì vọng sẽ tăng trở lại nhưng không cao.

Nhiều năm trở lại đây, tính bình quân mỗi năm có khoảng 18-19 triệu chiếc điện thoại bán ra tại Việt Nam, trong đó già phân nữa là nhập khẩu từ Trung Quốc. Và cũng trong đó, đa phần là các thương hiệu smartphone Trung Quốc như OPPO, Vivo, Huawei, Xiaomi…

Samsung vẫn là thương hiệu có thị phần smartphone lớn nhất tại Việt Nam, tiếp đến là OPPO.

Quí IV/2020, vị trí thứ 3 thuộc về Vivo, thứ 4 là Apple và thứ 5 là VinSmart với 11% thị phần.

Sang Quí I/2021, 3 vị trí cuối có sự thay đổi, với ngôi thứ 3 thuộc về Xiaomi, VinSmart lên vị trí thứ 4 với 10% thị phần, và thứ 5 là Vivo. Apple không còn trong Top 5.

Như vậy, “phần bánh” thị phần smartphone trước khi VinSmart tuyên bố ngừng sản xuất điện thoại và tivi là khá lớn và chắc chắn hãng smartphone nào cũng thèm khát.

Ai sẽ được hưởng lợi?

Có thể trả lời ngay cho câu hỏi này, là tất cả các thương hiệu đối thủ của smartphone VinSmart lâu nay, từ Samsung, OPPO, Xiaomi, Vivo… đều có thể được hưởng lợi.

“Phần bánh” 10% thị phần VinSmart để lại, chủ yếu rơi vào phân khúc giá tầm thấp và tầm trung, không cùng với phân khúc giá của Apple. Chính vì thế, “táo khuyết” gần như không được hưởng lợi trực tiếp từ khoảng trống VinSmart để lại. Tuy nhiên chưa thể khẳng định là Apple không thể được hưởng lợi gián tiếp thông qua các kênh mua cho/tặng, lên đời điện thoại…

Và về nguyên tắc, những thương hiệu smartphone có dải sản phẩm rộng ở các phân khúc giá tầm thấp và tầm trung, có nhiều bước giá, mức giá phù hợp với tập khách hàng lâu nay của VinSmart…, sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhiều hơn từ “phần bánh” 10% trên.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là về lí thuyết. Theo thạc sĩ Tuyết Mai – hiện phụ trách marketing cho một công ty công nghệ Châu Âu tại Việt Nam, khả năng dành được nhiều hay ít từ “phần bánh” 10% còn phụ thuộc vào chiến lược sản phẩm, cách làm marketing, chính sách bán hàng, kênh phân phối và dịch vụ bảo hành...

Tại thời điểm này, còn sớm để khẳng định rằng các thương hiệu còn lại đang vận hành một chiến dịch chạy đua nhằm giành giật “phần sư tử” trong số 10% thị phần của VinSmart để lại.

Nhưng có thể khẳng định, 10% thị phần đó là ước mơ mà không ít thương hiệu smartphone đã từng và đang có mặt tại thị trường Việt Nam chưa thể với tới được trong hàng chục năm qua cho dù đã đổ vào thị trường hàng chục triệu USD chi phí tiếp thị, quảng bá, bán hàng, nhân sự…

Và đặc biệt khi VinSmart không còn trong Top 5 thị trường smartphone Việt Nam trong thời gian tới, bất cứ thương hiệu nào lọt vào top này cũng không chỉ có sự hưởng lợi về thị phần mà về cả về thương hiệu, độ lan tỏa…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn