MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ăn chia từ clip “bẩn” của “giang hồ mạng”, Youtube thoát trách nhiệm?

Thế Lâm LDO | 03/04/2019 13:43
Với mỗi clip thu hút từ vài trăm ngàn tới hàng triệu lượt xem trên Youtube, “giang hồ mạng” Khá “bảnh” có tháng kiếm được vài trăm triệu đồng. Nhưng nên biết rằng, đó là số tiền Youtuber (người làm nội dung đưa lên Youtube) được chia lại sau khi Youtube đã lấy đi một phần “đậm”.

Cùng hưởng món lợi…

Món lợi ở đây phổ biến và chủ yếu là tiền từ các doanh nghiệp quảng cáo trả cho Youtube khi quảng cáo trên các clip có người xem qua dịch vụ Google AdSense. Theo chia sẻ của những người làm nội dung trên Youtube, có hai phương án ăn chia khi các trang Youtube được bật tính năng kiếm tiền.

Thứ nhất nếu họ đặt quảng cáo Google AdSense trực tiếp trên kênh Youtube của mình thì sẽ được Google trả trực tiếp, với tỉ lệ ăn chia phổ biến là 45% cho Youtuber và 55% cho chủ kênh. Thứ hai, nếu chủ kênh gia nhập mạng lưới đa kênh (Multi Channel Network – MCN, đơn cử như Yeah1 Network, và trên thế giới có rất nhiều mạng lưới như vậy), Google sẽ trả tiền cho chủ sở hữu MCN và doanh nghiệp này sẽ ăn chia thêm một lần với chủ kênh, thường là MCN 30% và chủ kênh 70%.

SocialBlade ước tính số tiền Khá “bảnh” kiếm được từ YouTube.

Trường hợp như Khá “bảnh” đã có lần tung ra hai clip khoe thu nhập có tháng kiếm được khoảng 450 triệu đồng trực tiếp từ Youtube, hay trường hợp “thánh chửi” Dương Minh Tuyền cũng khoe kiếm được 144 triệu đồng trực tiếp từ Youtube, thì cần hiểu rằng số tiền này đã phải trừ đi khoản phần trăm mà Youtube đã hưởng.

Có nghĩa là, nếu những tháng Khá “bảnh” hay các “thánh chửi” như Dương Minh Tuyền… kiếm được hàng trăm triệu đồng trực tiếp từ Youtube thì chính Youtube cũng đã hưởng lợi từ các clip “bẩn” của “giang hồ hạng” hàng trăm triệu đồng.

Nhưng lơ là trách nhiệm

Trong vụ việc Khá “bảnh” bị bắt, ngày 2.4 phía Google đã đưa ra phát ngôn: “Gần đây, chúng tôi đối mặt với các hành vi tiêu cực của một số Youtuber làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo, ngành công nghiệp truyền thông và quan trọng nhất là công chúng. Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của Youtube và sẽ thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch hơn. Chúng tôi đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt khi hành vi tiêu cực của một nhà sáng tạo làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng”.

Nhìn chung, cách phản hồi lại dư luận của Google đều rất chung chung như từ vụ  clip “trò chơi tự sát” Momo Challenge quay trở lại cho đến thời điểm này. Vấn đề dư luận luôn đặt ra là: Trách nhiệm kiểm soát nội dung của Youtube đến đâu, thì không được Google trả lời rốt ráo và phân định rạch ròi. Thay vào đó, Google thường đổ cho việc đã đưa ra cơ chế báo cáo clip xấu để người xem phản hồi vì số lượng clip trên Youtube quá lớn. Và thường mỗi khi xuất hiện clip độc hại, “bẩn” gây bất bình trong dư luận, Youtube mới xem xét xử lí khi sự đã rồi.

Lượng views và thu nhập tương ứng mỗi ngày từ kênh YouTube của Khá “bảnh“.

Trong trường hợp Khá “bảnh” đã thể hiện quá rõ. Sau khi dư luận phản ứng dữ dội, Khá “bảnh” bị bắt, cơ quan chức năng yêu cầu Youtube xóa trang của Khá “bảnh”, sau nhiều giờ Youtube mới hành động.

Clip “bẩn” của “giang hồ mạng” tại Việt Nam hiện nay đâu chỉ có trường hợp Khá “bảnh”, thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy Youtube "thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch” về việc xem xét hay xử lí cách trang Youtube đó ra sao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn