MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với 43 triệu tấn lúa hàng năm, Việt Nam có đủ năng lực đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu trong nước và XK. Ảnh: Tân Long

Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp thận trọng “dòm ngó” nhau

Vũ Long LDO | 24/07/2023 06:07

Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất lớn khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu (XK) gạo trắng kể từ ngày 20.7.2023. Thế nhưng, thực tế hiện cả DN nhập khẩu (NK) và XK gạo đều đang dè chừng nhau.

Doanh nghiệp thận trọng nghe ngóng thị trường

Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, trước thông tin Ấn Độ ngừng XK gạo trắng, giá gạo trên thị trường nội địa đã tăng khá lạc quan. Giá gạo 5% tấm đã tăng lên mức 11.600-12.000 đồng/kg; gạo 15% tấm ở mức từ 11.300-11.500 đồng/kg; gạo 25% tấm bán ra ở mức từ 11.000-11.400 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá từ 11.500-11.800 đồng/kg - đây cũng là loại gạo có mức tăng cao nhất: 313 đồng/kg.

Mặc dù hiện tại, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng mạnh nhưng giao dịch gạo để XK đang ở tình trạng rất “lừng khừng”. Cả DN nhập khẩu của nước ngoài và DN XK của Việt Nam đều đang ở trạng thái “nhòm ngó” thăm dò lẫn nhau. DN cần mua gạo nhưng giả vờ không cần, DN XK thì ém hàng để tiếp tục nghe ngóng thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, giá gạo hiện tại đang cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Gần đây nhiều DN nước ngoài đặt vấn đề nhập khẩu nhưng DN trong nước đang rất thận trọng khi đàm phán các hợp đồng mới, bởi giá gạo XK có thể vẫn tiếp tục biến động.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết,  những DN ký HĐ với giá thấp, nhưng sau đó giá gạo XK tăng mạnh nên bị thiệt hại. Chính vì vậy, hiện nay hầu hết các DN đang rất thận trọng, tìm hiểu thông tin kỹ càng để tránh rủi ro.

Không nên vội thu hẹp diện tích trồng lúa tại thời điểm này

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025 và 2030, theo đó, chỉ tiêu đến năm 2025 Việt Nam giữ diện tích đất lúa 3,6-3,7 triệu hecta, diện tích gieo trồng 7-7,2 triệu hecta, sản lượng lúa 40-41 triệu tấn; XK khoảng 5 triệu tấn gạo/năm. Chỉ tiêu đến năm 2030, giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu hecta, linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm. XK khoảng 4 triệu tấn gạo.

Như vậy, theo đề án này, diện tích trồng lúa sẽ được dần thu hẹp, số lượng gạo XK giảm nhưng vẫn đảm bảo giá trị kim ngạch XK cao tương đương trị giá XK gạo như hiện nay (khoảng 6,6-7 triệu tấn/năm).

Mặc dù vậy, các thương nhân cho rằng, chưa nên vội thu hẹp diện tích trồng lúa bởi nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đang tăng, trong khi 80% sản lượng gạo của Việt Nam hiện nay là gạo thơm.

“Gạo thơm cho năng suất thấp hơn, nếu thu hẹp diện tích sẽ giảm sản lượng. Tốt nhất, nên duy trì diện tích trồng lúa như hiện nay đồng thời ưu tiên trồng các loại gạo cho thu hoạch 2-3 vụ/năm và có năng suất cao để đáp ứng nhu cầu XK khi nguồn cung thế giới sụt giảm do Ấn Độ ngừng XK gạo” - ông Vũ Quang Hòa - Tổng Giám đốc Dương Vũ Rice thông tin.

Còn theo bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch VFA, XK gạo những tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp đà tăng trưởng mạnh khi các thị trường lớn của Việt Nam, điển hình như Indonesia vẫn đang mở thầu mua gạo dự trữ.

Hiện ĐBSCL đang bước vào thu hoạch vụ hè thu. Với sản lượng từ 8,5-9 triệu tấn lúa của vụ hè thu này, sẽ cung cấp thêm nguồn cung phục vụ các DN thu mua phục vụ các đơn hàng XK đã ký, giảm áp lực mất cân đối cung-cầu trong 2 tháng gần đây.            

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn