MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá linh, loài cá "linh hồn" của vùng đầu nguồn mùa nước nổi.

An Giang: Nghịch lý đầu mùa nước nổi: Ít cá, giá thấp

Lục Tùng LDO | 01/09/2017 06:50
Với mực nước cao hơn cùng kỳ năm trước, mùa nước nổi năm 2017 trên sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ mang lại cho người dân hạ lưu sông Mê kông nhiều sản vật đặc trưng, nhất là cá tôm. Thế nhưng, thực tế ngư dân vùng đầu nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh An Giang đang đối mặt với nghịch lý vô cùng nghiệt ngã: Tuy mực nước có cao hơn, nhưng lượng cá lại ít hơn và đặc biệt là giá bán lại vô cùng rẻ.

Từ nhiều ngày qua, người dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi ở An Giang đã vô cùng thất vọng vì lượng thủy sản thu được rất ít. Có người ven 400 – 500m lưới, nhưng mỗi ngày chỉ bắt được 3-5kg cá, thậm chí còn ít hơn. Nhiều tay chài, cả buổi chỉ bắt được vài ba con cá.

Có nhiều lý do dẫn đến nghịch lý này, nhưng cơ bản nhất là tuy nước có cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp nên thực sự tạo môi trường thuận lợi cho các loại thủy sản sinh sôi, tăng trưởng nhanh...

Đáng lo hơn là cá ít, nhưng giá bán của ngư dân vùng đầu nguồn luôn ở mức thấp, nhiều lúc chưa bằng 1/10 giá bán lẻ tại các chợ trung tâm trong tỉnh. Trong lúc giá cá linh tại các chợ Long Xuyên (An Giang), Ninh Kiều (Cần Thơ) dao động ở mức 200 - 300 ngàn đồng/kg, thì ngư dân bán tại chỗ cao nhất cũng được 25.000đ/kg cá sống, nếu cá chết chỉ còn 3-5 ngàn đồng/kg...

Nguyên nhân được cho là do nguồn cá ít đã đẩy chi phí thu gom của thương lái tăng..., nhưng cũng có ý kiến cho là do lực lượng thương lái nắm bắt tâm lý, người dân trực tiếp đánh bắt cá khó có thể mang lượng cá ít ỏi ra chợ bán nên tìm cách khống chế giá.

Mùa nước nổi ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông (An Phú - An Giang)
Nước từ thượng nguồn đổ về, khiến các dòng sông, con kênh như “vươn vai Phù Đổng” khi to hơn, rộng hơn... chỉ sau 1 đêm thức dậy.
Thậm chí những cánh đồng lúa ngày nào, giờ cũng trở mình thành... biển nước.
Người dân sử dụng nhiều loại ngư cụ, từ đú bắt cá bằng hệ thống lưới ven luồng...
và cả ngư cụ chài...
Tuy nhiên, dù sử dụng ngư cụ nào, ngư dân cũng có chung kết quả: thu được rất ít cá.
Vì vậy không khí đánh bắt thủy sản ở vùng đầu nguồn nước nổi không có sự sôi động thường thấy.
Thậm chí sau 1 buổi chài cật lực, người thợ chài này chỉ bắt được duy nhất 1 con cá.
Do sản lượng đánh bắt thấp nên nhiều ngư dân phải “rộng” lại vài ngày mới có được vài ba ký cá để thương lái đến thu gom.
Đã vậy, chất lượng cá lại không đồng đều, lớn - nhỏ khác nhau.
Phải là cá linh bơi trong nước, ngư dân mới bán được giá 20-25 ngàn đồng/kg.
Còn với cá cá linh đã chết chỉ có thể bán được với giá 3-5 ngàn đồng/kg.
Các chợ đầu mối cá đồng - nơi phân phối cá đánh bắt tự nhiên cho cả tỉnh An Giang những ngày này cũng khá thưa thớt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn