MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
An ninh lương thực là vấn đề các chuyên gia nông nghiệp quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh TL

An ninh lương thực Việt Nam trước bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát

Hương Nguyễn LDO | 01/05/2021 16:25

Trong kịch bản xấu nhất khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia nông nghiệp nói gì về vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam?

Nếu COVID-19 bùng phát mạnh, an ninh lương thực của Việt Nam có đáng lo?

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới. Các hãng thông tấn liên tiếp đưa tin về tình trạng khủng hoảng tại Ấn Độ, Thái Lan. Brazil thậm chí còn đang phải đối mặt với thảm họa kép: Nạn đói trong khủng hoảng dịch COVID-19. Khoảng 19 triệu người Brazil đã rơi vào cảnh nghèo đói trong đại dịch COVID-19 khi tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng gia tăng.

Vậy Việt Nam cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ của cuộc khủng hoảng trên? Vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam có đáng ngại nếu dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp hơn?

GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh TS

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: “An ninh lương thực Việt Nam chẳng có gì phải lo lắng! Ở Việt Nam, các mùa gieo cấy, thu hoạch liên tục, không giống như các nước ở Tây Âu chỉ có một năm một vụ lúa mì rồi hết. Trong khi đó Việt Nam thì ở miền Bắc gieo xạ, miền Nam đang gặt...

GS Viên cho rằng, phòng chống dịch COVID-19 là yếu tố quan trong tiên quyết hàng đầu, cần phòng chống dịch tốt để không bị “vỡ trận” như những gì đã xảy ra tại Ấn Độ”.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh TL

Đồng quan điểm trên, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNN) trao đổi với PV báo Lao Động: “Việt Nam thừa sức để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước. Vụ lúa vừa rồi cho năng suất tốt. Nếu có dự báo và điều hành tốt như mấy năm qua của Bộ NNPTNN thì không bị ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh lương thực.

Việt Nam cần kiểm soát tốt vấn đề chăn nuôi để tránh việc khi dịch bệnh bùng phát có thể khiến giá cả tăng lên".

Cơ hội để vươn lên thành cường quốc xuất khẩu lương thực

Trong khi vấn đề an ninh lương thực không phải là điều đáng lo ngại ở Việt Nam, các chuyên gia còn cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu.

TS. Trần Công Thắng cho biết: “Tôi cho rằng đây thậm chí còn là cơ hội tốt nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh để tăng cường xuất khẩu.

Nói về an ninh lương thực, không chỉ có mỗi lúa mà còn là an ninh dinh dưỡng. Ngày xưa, lúa đóng vai trò là lương thực chính, nhưng ngày nay, người ta còn quan tâm đến an ninh dinh dưỡng là trứng, thịt, sữa…Và Việt Nam vẫn đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.

Theo điều tra của Viện Chiến lược, trong thời kì giãn cách xã hội, một số công ty và trang trại thiếu lao động do bị giãn cách… Các xe chở phân bón không được di chuyển giữa các tỉnh hoặc nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không thể đem đi bán. Chúng tôi đề xuất cần có giải pháp khi dịch bùng phát thì vẫn cần có chính sách để người dân tiếp cận nguồn lương thực một cách đầy đủ”.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng: “Việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại Thái Lan và Ấn Độ thì lại là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Trước đây, các tiêu chuẩn hàng xuất khẩu rất cao, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì các nước trở nên dễ tính.

Một số mặt hàng nông sản, rau quả Việt Nam đã qua chế biến như dứa không có để xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải người ta dễ tính mà Việt Nam chủ quan, sản xuất các sản phẩm không chất lượng; nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là cơ hội lớn cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu, khẳng định vị thế. Cần tổ chức sản xuất và tổ chức thị trường, nhân cơ hội này, Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu, giữ vị trí độc tôn. Trong khi các nước loay hoay thì Việt Nam bứt phá”.

Mới đây, Food Industry Asia (FIA) công bố báo cáo “Tác động kinh tế của ngành nông nghiệp thực phẩm tại Đông Nam Á” để hiểu rõ hơn về những thách thức và tác động kinh tế mà ngành nông nghiệp thực phẩm phải đối mặt vào năm 2020.

Theo đó, Việt Nam xếp thứ 2 trên 10 quốc gia về kỳ vọng phục hồi kinh tế ngành nông nghiệp thực phẩm với số điểm 6,6/10.

Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 tương đối sớm và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Ngành nông nghiệp thực phẩm vẫn có khả năng chống chịu trong đại dịch COVID-19, đạt mức tăng trưởng 4% vào năm 2020, tương đương mức đóng góp tăng 3,7 tỉ USD vào GDP toàn quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn