MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển điện gió góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Ảnh: ĐT

An ninh năng lượng: Cần tập trung phát triển năng lượng tái tạo

ĐẶNG TIẾN LDO | 10/08/2018 06:23
Để thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng CNH-HĐH, đòi hỏi phải có sự phát triển tương ứng và đi trước một bước của ngành năng lượng.

Đây cũng là nội dung chính của diễn đàn: “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9.8.2018.

Phát triển năng lượng tái tạo

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện công suất và điện năng sản xuất từ các nhà máy thuỷ điện đóng góp tỉ trọng quan trọng trong cơ cấu sản xuất điện toàn quốc. Năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỉ Kwh (tăng 8,6%).

Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định theo các định hướng chiến lược đề ra, hiện công suất điện năng của Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Từ 1 nước xuất khẩu đã thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn.

Trong Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Bộ KHCN đã xác định, đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KHCN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng, một trong những vấn đề then chốt là phải làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Nhiều thách thức

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, nhu cầu năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam hiện nay, khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí hoặc được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước, mặt khác, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Mục tiêu đến năm 2020, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 7% sản lượng điện toàn quốc, trong đó điện gió đạt 800MW và điện mặt trời đạt 850 MW. Đến 2030, năng lượng tái tạo sẽ đạt 10% sản lượng điện, điện gió đạt 6.000 MW và điện mặt trời là 12.000 MW. Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nay có thể tiết kiệm được 30% năng lượng tiêu thụ mỗi năm. Cụ thể, một số lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao như công nghiệp xi măng 50%, công nghiệp gốm 35%, phát điện than 25%, ngành dệt/may mặc 30%...

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng lượng (Bộ Công thương)- để giải quyết vấn đề về năng lượng cần ưu tiên, tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó tập trung vào lĩnh vực điện gió và điện mặt trời vì Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, về tiềm năng kỹ thuật, điện gió có thể đạt công suất đến 26.700MW và điện mặt trời là 339.600MW.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho rằng, muốn đảm bảo an ninh năng lượng, cần đảm bảo kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện. Đồng thời, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện, ưu tiên cho khu vực miền Nam và cần có cơ chế để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn