MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có phiên điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm. Ảnh: Lê Toàn

Áp lực chốt lời gia tăng trên thị trường chứng khoán

Gia Miêu LDO | 21/08/2024 09:59

Thị trường chứng khoán bắt đầu chịu áp lực chốt lời gia tăng khi vào giai đoạn cổ phiếu về tài khoản.

VN-Index có phiên bùng nổ thứ hai liên tiếp, củng cố cho xu hướng tăng điểm đã được thiết lập trong phiên bùng nổ đầu tiên (16.8.2024).

Thanh khoản phiên hôm qua đạt mức khá cao với khối lượng khớp lệnh trên HSX vượt mức trung bình 20 phiên (+26,9%), cho thấy tâm lý của nhà đầu tư rất lạc quan.

Quan sát thị trường cho thấy, các cổ phiếu bất động sản sau giai đoạn suy giảm kéo dài tiếp tục là động lực phục hồi tăng điểm của VN-Index. Trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đã kết thúc xu hướng giảm giá để quay trở lại kênh tích lũy tích cực 1.250 điểm đến 1.300 điểm.

Điểm tích cực là áp lực cung cổ phiếu giá thấp, T+2 về tài khoản thấp dẫn đến ngắn hạn rất nhiều vị thế mua có khả năng sinh lợi tốt. Phần lớn trong số này thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản khi rất nhiều mã đã có thời gian điều chỉnh từ tháng 8-9.2023, tháng 3-4.2024 đến nay.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Asean cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tiến tới vùng đỉnh cũ 1.280-1.300 điểm; quá trình giằng co sẽ diễn ra khi áp lực chốt lời, tâm lý thận trọng gia tăng, có thể tiếp tục bứt phá khi xác nhận các tín hiệu củng cố nền giá tại vùng này. Nhà đầu tư nên giữ vững thành quả, có thể cơ cấu danh mục vào nhóm cổ phiếu có sức mạnh giá và các thông tin kinh doanh tích cực trong ngắn hạn.

Về dự báo thị trường chung, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, chỉ số VN-Index sẽ tích lũy đi ngang vùng 1.150 - 1.300 điểm trong bối cảnh dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9.2024 và có khả năng cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay với tổng mức cắt giảm trên 1%; tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt trên 6,2% trong năm 2024 nhờ kỳ vọng đà tăng trưởng trên 6% tiếp tục duy trì nửa cuối năm nhờ động lực từ sản xuất công nghiệp, xây dựng và xuất khẩu; áp lực tỉ giá giảm dần vào cuối năm; đồng thời, tình trạng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện, mặc dù có thể vẫn tiếp tục diễn ra ở một số cổ phiếu đặc thù.

Được biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng 59.000 tỉ đồng (2,3 tỉ USD). Theo chuyên gia của ACBS, khối ngoại bán ròng do lo ngại một số doanh nghiệp mở rộng kinh doanh không hiệu quả, đồng thời định giá cổ phiếu đạt đỉnh nhờ mối liên hệ với câu chuyện bán dẫn/AI toàn cầu. Tuy nhiên, ghi nhận trong 3 tuần cuối tháng 7, những ngày đầu tháng 8, lực bán ròng đã chững lại, có những phiên mua ròng liên tiếp trở lại.

Về kết quả kinh doanh, ACBS cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đạt 242 nghìn tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh chủ yếu là nhóm tài chính tăng 15,7%, nhóm phi tài chính tăng 7,8%. Đồng thời, nhóm chuyên gia này dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2024 sẽ đạt trên 10%.

Về định giá, mặc dù tăng so với đầu năm nhưng nền định vẫn còn thấp hơn so với trung bình giai đoạn 2020-2024 đối với cổ phiếu lớn, ngược lại cổ phiếu vừa và nhỏ định giá không quá hấp dẫn.

Trong đó, định giá P/E của nhóm VN30 là 12,72 lần (trung bình 13,4 lần); định giá P/E nhóm VN-Midcap là 13,3 lần (trung bình 15,78 lần); và định giá P/E nhóm VN-SMLcap là 17,57 lần (trung bình 12,2 lần).

Dựa trên định giá, chuyên gia ACBS dự báo triển vọng lợi nhuận khó có thể bứt phá trong 1 - 2 quý tới, việc điều chỉnh trên diện rộng đối với các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ là phù hợp. Trong khi đó, cơ hội trong nửa cuối năm sẽ có phần nghiêng về nhóm VN30.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn