MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áp lực của tỉ giá, lãi suất lên thị trường còn kéo dài

Cao Nguyên LDO | 15/12/2022 11:00

Các chuyên gia nhìn nhận, áp lực của biến động lãi suất, tỉ giá lên thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài đến hết quý I/2023.

Thị trường BĐS đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh. Ảnh Cao Nguyên
Khó khăn liệu còn kéo dài

Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay, ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định thời điểm quý II và quý III/2022, các chuyên gia từng dự báo thị trường BĐS sẽ hồi phục vào khoảng cuối năm. Tuy nhiên, từ tháng 10 vừa qua đã xuất hiện một vài vụ việc vi phạm khiến cho tâm lý, niềm tin nhà đầu tư và doanh nghiệp ảnh hưởng khá nặng nề. Tuy nhiên, theo ông Lực, đó chỉ là những biến số nằm ngoài tính toán, dự báo của tất cả các chuyên gia. Còn đến thời điểm hiện nay, thị trường sẽ có khả năng hồi phục trong năm 2023, cụ thể là giai đoạn quý III, IV của năm.

Theo phân tích của ông Cấn Văn Lực, trong những quý đầu của năm 2023, ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023; do đó áp lực của lãi suất, tỉ giá lên thị trường BĐS nói riêng và kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài đến hết khoảng thời gian này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2023 vẫn có những điểm sáng tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, tức là kết thúc quý II, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có của nó.

Giải pháp để thị trường phát triển ổn định, bền vững

Cho đến thời điểm hiện nay, BĐS là một trong những thị trường quan trọng, có vai trò thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển. Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường BĐS nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường...

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhìn nhận, thị trường BĐS đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh. Từ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm như khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường BĐS phát triển bền vững.

Tăng cường quản lý thị trường BĐS; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; Thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ.

Đáng chú ý phải thực hiện kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường… Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thực trạng thị trường BĐS; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường; xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn