MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áp lực đáo hạn trái phiếu đang lớn dần

TRÍ MINH LDO | 06/08/2022 15:00

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tính đến ngày 29.7, có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ được công bố trong tháng 7 với tổng giá trị 18.661 tỉ đồng.

Ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỉ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành). Trong đó, đứng đầu là BIDV, phát hành 4.494 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 8 năm và 21 tháng. Theo sau là ngân hàng Quân đội với 3.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm qua 1 đợt phát hành.

Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2.225 tỉ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành). Nổi bật nhất là Công ty Tài Chính Cổ Phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỉ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ có bảo lãnh 1 phần của GuarantCo và tuân theo theo chuẩn mực phát hành của ICMA. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6.7%/năm.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: LD.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỉ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4.5% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 191.279 tỉ đồng, giảm 38% (chiếm khoảng 95.5% tổng giá trị phát hành).

Trước đó, theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỉ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỉ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỉ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Bước sang năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỉ đồng và 329.500 tỉ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỉ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỉ đồng. Như vậy, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỉ đồng.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định: "Với xu hướng kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có khả năng thanh toán đủ gốc, lãi đến hạn. Tuy nhiên, trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn". 

Khuyến cáo đến nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho hay, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đồng thời, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ về bảo lãnh thanh toán. Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trường hợp TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn