MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn cho thấy nhiều rủi ro. Ảnh: Gia Miêu

Áp lực đáo hạn trái phiếu đến từ những công ty không có doanh thu

Bảo Chương LDO | 15/03/2024 06:05

Mức độ rủi ro cao trong việc đáo hạn đến từ những lô trái phiếu của các công ty được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu; dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chủ yếu là lĩnh vực bất động sản.

Lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán KBSV cho biết, trong tháng 3, dự tính có hơn 23 nghìn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 372% so với tháng trước.

Một số doanh nghiệp có lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng 3 bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên, Công ty Cổ phần BCG Land, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Đỉnh…

Trong số này, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên có giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 3 lớn nhất, đạt 7.200 tỉ đồng.

Ngày 21-22.3.2023, theo công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên (HIDC) đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu mã HIDCB2324001 và HIDCB2324002. Cả 2 lô trái phiếu được phát hành ngày 16.3.2023.

Lô trái phiếu HIDCB2324001 có khối lượng 44.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.450 tỉ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 1 năm, ngày đáo hạn là 16.3.2024.

Lô trái phiếu HIDCB2324002 có khối lượng 27.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.750 tỉ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 1 năm, ngày đáo hạn là 16.3.2024.

Cả 2 lô trái phiếu đều có lãi suất bằng 0%. Phương thức thanh toán gốc là một lần khi đến hạn. Theo đó, HIDC sẽ thanh toán toàn bộ lô trái phiếu vào ngày 16.3.2024. Các thông tin bao gồm người mua trái phiếu, mục đích phát hành không được công bố.

Vào thời điểm phát hành, HIDC thu hút sự chú ý bởi đã phát hành thành công 7.200 tỉ đồng trái phiếu trong bối cảnh thị trường không lấy làm thuận lợi. Chưa kể, Công ty mới đi vào hoạt động từ tháng 4.2022, tức chưa tròn 1 năm tuổi tại thời điểm phát hành 2 lô trái phiếu kể trên.

Lĩnh vực hoạt động chính của công ty này là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Công ty không có website. Trên thị trường, không có nhiều các thông tin liên quan tới hoạt động của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên.

Báo cáo tình hình kinh doanh mới nhất của HIDC được công bố trên HNX là báo cáo tình hình tài chính nửa đầu năm 2023. Theo đó, tính tới ngày 30.6.2023, Công ty có vốn chủ sở hữu 1.003,2 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 6,67 lần.

Rủi ro thanh khoản hiện hữu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì tình trạng ảm đạm trong tháng 2.2024 khi tổng giá trị phát hành chỉ đạt 1.165 tỉ đồng (giảm 45,8% so với tháng trước), với kỳ hạn bình quân là 2,87 năm. Trong đó, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng, vận tải cảng biển và thương mại dịch vụ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm trong 2 tháng đầu năm phần nhiều nguyên nhân đến từ việc một số điều khoản trong Nghị định 65 có hiệu lực trở lại khiến cho quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp khắt khe hơn.

Mới đây, tổ chức VIS Rating đã đưa ra một báo cáo cho biết, giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc, lãi trong năm 2024 là 40.000 tỉ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, con số này thấp hơn đáng kể so với 147.000 tỉ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.

Khoảng 40.000 tỉ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, thể hiện bởi tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định được có 17 trong 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPEs) được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những công ty này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi”, báo cáo của VIS Rating cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn