MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nên giảm tỉ lệ sử dụng phân bón để giảm chi phí sản xuất lúa trong giai đoạn giá phân bón tăng quá cao. Ảnh minh họa: LĐ

Áp lực giá phân bón "phi mã": Mạnh dạn giảm tới 50-70% lượng phân bón

Vũ Long LDO | 19/10/2021 11:26

Nông dân mạnh dạn giảm tỉ lệ phân bón để giảm giá thành sản xuất. Nếu mạnh dạn, có thể giảm tới 50-70% lượng phân bón mỗi vụ.

Cắt giảm tỉ lệ phân bón để tiết kiệm chi phí

Trước tình trạng giá phân bón tăng quá cao, vụ thu đông 2021 vừa qua, ông Huỳnh Uy Biểu – nông dân tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn rút bớt 30% lượng phân bón cho trên 7 công lúa OM 9676. Kết quả năng suất chỉ giảm rất nhẹ.

“Dù dùng ít phân bón năng suất có giảm hơn, nhưng hiện nay giá phân bón đã lên tới 1,2 triệu đồng/bao 25kg, nên tỉ lệ thiệt hại do năng suất giảm cho kết quả thấp hơn so với chi phí của 30% lượng phân bón được cắt giảm” – ông Biểu nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn , tỉnh An Giang) cũng cho biết, ông đã thử nghiệm rút bớt lượng phân bón, giảm tỉ lệ sạ trong vụ hè thu vừa qua và kết quả rất khá khả quan.

“Do thử nghiệm lần đầu nên tôi chỉ dám giảm 30% lượng phân bón. Vụ hè thu 2021-2022 này, tôi sẽ mạnh dạn rút bớt 50% lượng phân bón, nếu so sánh lợi nhuận giữa việc dùng ít phân cho kết quả tốt, tôi sẽ tiếp tục rút thêm 5% cho mỗi vụ và có thể dừng ở mức giảm 60% tỉ lệ phân bón” – ông Bé cho biết thêm.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), chi phí phân bón thường chiếm 21-24% cơ cấu giá thành của sản xuất lúa. Đặc biệt, vụ thu đông 2021 vừa qua, giá phân bón tăng cao đã chiếm tới 30% giá thành của sản xuất lúa. Trước tình trạng này, giải pháp tốt nhất hiện nay là nên cắt giảm số lượng phân bón trên đồng ruộng.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt gợi ý nông dân có thể táo bạo giảm 50% lượng phân bón để giảm giá thành lúa gạo do áp lực giá phân bón tăng quá cao. Khi giảm bớt lượng phân bón, năng suất thấp hơn khoảng vài trăm kg/ha, nhưng chi phí sản xuất lúa sẽ không bị đội lên quá cao.

 “Chúng ta có thể táo bạo trong vụ đông xuân 2021-2022 này chỉ bón 50% lượng phân theo nhu cầu. Chúng ta có thể chấp nhận năng suất thấp hơn khoảng vài trăm ký/ha. Như thế, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua được áp lực của giai đoạn giá phân bón tăng quá cao như hiện nay” - ông Lê Thanh Tùng nêu ý kiến.

Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay tình trạng bà con nông dân sử dụng phân bón "quá liều lượng" đang khá phổ biến,  thậm chí nhiều nơi dùng cao gấp 2-3 lần. Vì vậy, giảm lượng phân bón trên đồng ruộng ngoài tiết kiệm chi phí sản xuất, còn góp phần bảo vệ môi trường.

TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, thực tế nông dân nhiều vùng có thói quen sử dụng phân bón vượt quá mức quy định, đôi khi gấp 2-3 lần, gây lãng phí.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón nên hỗ trợ nông dân

Theo "vua lúa gạo" Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giá phân bón đang tăng quá cao một cách bất thường và mức tăng này đang dường như "không có điểm dừng", điều này khiến người trồng lúa cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo hết sức khó khăn.

 “Điều đáng nói ở đây là nguyên nhân tăng do một số nguyên liệu để sản xuất ra phân bón như amonihac phải nhập khẩu, nhưng nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong tổng lượng phân bón? Các nhà máy phân đạm hầu hết là dùng nguyên liệu từ khí (Khí Điện Đạm Cà Mau; Phú Mỹ...), mà nguồn nguyên liệu ấy là khoáng sản từ lòng đất Việt Nam khai thác mà có. Ấy vậy mà các doanh nghiệp này không hề điều tiết giá cho nông dân. Lúc này nông dân cần hỗ trợ thì họ lại nói: Họ cũng là doanh nghiệp, cũng phải tính lãi lỗ...” – ông Phạm Thái Bình nói.

Về thiệt hại do giá phân bón tăng quá cao, doanh nhân Phạm Thái Bình nêu phép tính, giá phân bón tăng cao khiến mỗi kilogam lúa sẽ đội lên 4% tương ứng 220 đồng, 1ha có năng suất 7 tấn lúa sẽ bị đội giá thành lên tương ứng 1.540.000 đồng. Vụ đông xuân này ĐBSCL làm 3.000.000ha, như vậy, sẽ mất 4.620 tỉ đồng do giá phân bón tăng. Điều này nên được các ngành và địa phương quan tâm để có ý kiến chỉ đạo doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.

"Doanh nghiệp thì có vốn quay vòng, nhưng nông dân thì tiềm lực kinh tế không mạnh, họ lại là đối tác, là khách hàng của doanh nghiệp sản xuất phân bón, nên các doanh nghiệp này cần quan tâm chăm sóc, chia sẻ khó khăn cũng như lợi nhuận" - ông Phạm Thái Bình nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn