MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính phủ sẽ trình Quốc hội các chính sách liên quan thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Tổng cục Thuế

Áp lực giữ "đại bàng" khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

Đức Mạnh LDO | 27/07/2023 19:53

Khi Việt Nam thực thi cơ chế của thuế tối thiểu toàn cầu, những chính sách thu hút đầu tư dựa trên ưu đãi thuế mà trước nay vẫn áp dụng sẽ trở nên kém hấp dẫn.

Theo cơ chế của thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu euro (19.500 tỉ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%.

Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở các quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia khác, bao gồm cả nơi họ có trụ sở chính.

Hơn 140 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đồng ý tham gia, trong đó có Việt Nam.

Lấy ví dụ một cách đơn giản, nếu Mỹ thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thì doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn phải nộp phần thuế thiếu hụt ở Mỹ hoặc quốc gia khác.

Bộ Tài chính ước tính 112 tập đoàn nước ngoài có thể phải nộp bổ sung thuế, giúp ngân sách thu thêm 14.600 tỉ đồng trong năm 2024 - năm đầu tiên Việt Nam áp loại thuế này. Tuy nhiên, ở góc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nếu áp thuế mức 15% mà không có ưu đãi, giải pháp hỗ trợ sẽ xung đột với các quy định hiện nay của Việt Nam trong thu hút nước ngoài.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài gồm những chính sách phổ biến là ưu đãi thời gian miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm đối với dự án đầu tư mới; miễn thuế 2 năm, giảm 4 năm đối với dự án đầu tư mở rộng. Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ ưu đãi thuế trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %.

"Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác hoặc nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực và tính hấp dẫn chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp" - ông Hiếu cho biết.

Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng sẽ tác động đến doanh nghiệp FDI đầu tư lớn và thu hút mới các dự án đầu tư. Ảnh: Hải Nguyễn

Về giải pháp ứng phó, ông Phan Đức Hiếu cho rằng Việt Nam không có cách nào khác ngoài tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh đã có thì nay phải thực thi quyết liệt hơn cả về mức độ và phạm vi. Cũng như bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh...

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế - gợi ý có thể thay đổi một số quy định từ trước đến nay để đáp ứng được cải thiện môi trường đầu tư theo hướng không sử dụng chính sách thuế vào ưu đãi đầu tư

Còn TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - đề xuất Việt Nam cần ban hành quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn như một cơ chế phản ứng nhanh. Từ đó có thể bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác. Đồng thời rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đào tạo lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn