MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nợ xấu đang tăng mạnh. Ảnh: Hải Nguyễn

Áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng

Gia Miêu LDO | 07/05/2023 12:37
Áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chi phí vốn cao, tỷ trọng cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống cuối tháng 2.2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm soát dưới 3%, theo Ngân hàng Nhà nước, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng vừa được công bố cho thấy một bức tranh rõ nét về tình hình nợ xấu. Ở khối ngân hàng quốc doanh, ngân hàng VietinBank là một trong những đơn vị đang chịu nhiều ảnh hưởng với câu chuyện trích lập dự phòng cho nợ xấu. Nợ xấu tăng 1.234 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương ứng tăng 7,8% lên 17.035 tỉ. VietinBank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, tăng tới 52% so với cùng kỳ lên 6.723 tỉ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng này chỉ tăng nhẹ dù các mảng kinh doanh có kết quả lãi khả quan. 

Trích lập dự phòng cho nợ xấu tăng khiến các ngân hàng bị giảm lợi nhuận. Ảnh: Anh Dũng

Vietcombank là ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hiện nay trong nhóm ngân hàng lớn, xét về cả tỷ lệ lẫn số nợ xấu tuyệt đối trong khi BIDV là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, bức tranh nợ xấu đang ngày càng có nhiều gam màu xám khi tăng mạnh. Hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50 - 70%. Tính tới cuối quý I/2023, nợ xấu của VPBank đã tăng lên 2,6% từ mức 2,19% cuối năm ngoái. Nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank giảm tới 77% trong quý I/2023. 

Ngân hàng MB cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31.3.2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỉ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 chiếm tỷ lệ tăng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỉ đồng. Bất chấp các dấu hiệu đó, MB lại giảm 13% trích lập dự phòng rủi ro.

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng nợ xấu bị đẩy về tương lai, Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo quy định tại Thông tư, các tổ chức phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính của DGCapital cho rằng, dù được phép cơ cấu nợ, song do yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho các khoản nợ cơ cấu trong khi nguồn lực tài chính của mỗi ngân hàng có hạn, nên nhìn chung, triển vọng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay vẫn không lạc quan bằng các năm trước. Nợ xấu và chi phí tín dụng có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Với tỉ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng, mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Dẫu vậy, khả năng chống chịu tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của mỗi ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn