MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áp lực thu hẹp lợi nhuận do giá nguyên liệu tăng cao

THU GIANG LDO | 22/08/2022 13:00

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã không còn vui khi thị trường quý III/2022 đột ngột xấu đi, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, lợi nhuận DN thu hẹp khi giá nguyên liệu vẫn tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã không còn vui khi thị trường quý III/2022 đột ngột xấu đi. Ảnh: XK

Thiếu thông tin thị trường

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho rằng, việc có thông tin từ các thương vụ sẽ giúp các DN định hình được thời điểm nào thị trường nào đang tốt, ngành hàng nào dễ tiếp cận khai thác. Từ đó, hoạch định phương án, chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn. Trong tất cả các ngành, ông Việt cho rằng, các thương vụ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu hàng hoá.

Nửa đầu năm 2022, đã có 30 DN thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico. Trong đó, 3 DN có giá trị xuất khẩu lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I; Công ty TNHH Cá Việt Nam và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang. Dự báo năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 10 tỉ USD, tăng khoảng 12 - 15% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển chiếm khoảng 35% còn lại.

Mặc dù được dự báo xuất khẩu thủy sản khá lạc quan, nhưng nhìn lại 7 tháng đầu năm 2022 và bối cảnh hiện nay, nhiều DN ngành này vẫn đang chịu tác động, hệ lụy của dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao đã làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Chưa hết, biến động tỉ giá cũng cộng hưởng gây khó cho DN xuất khẩu.

Cùng quan điểm trên, phía Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo, mức tiêu thụ toàn cầu năm 2022 là 15,026 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2021. Như vậy, xét về yếu tố cung cầu năm 2022, sản lượng khai thác sẽ thấp hơn nhu cầu tiêu thụ caosu tự nhiên là 474.000 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm caosu và caosu thiên nhiên vẫn khó khăn do tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn hết sức phức tạp sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ caosu tại quốc gia này, giá xăng dầu đang ở ngưỡng cao đã làm cho kinh tế thế giới dự báo sẽ còn suy thoái mạnh. 

Nhiều thách thức

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đánh giá, đồng USD tăng giá so với nhiều đồng ngoại tệ khác cũng đang là thách thức cho các DN xuất khẩu. Tại một số thị trường có đồng nội tệ mất giá, những nhà nhập khẩu bị thiệt hại, nên sẽ cân đối kế hoạch nhập khẩu. Thậm chí, đã có tình trạng nhà nhập khẩu “mặc cả hạ giá” hoặc đề nghị Việt Nam giao hàng chậm lại, khiến cho DN xuất khẩu phải chịu thêm chi phí lưu kho.

Nhiều DN cũng phàn nàn về hàng loạt chi phí đầu vào khiến việc nuôi trồng, chi phí sản xuất, chế biến thủy sản tăng mạnh. Cụ thể giá nhiên liệu tăng, công nhân tăng, chi phí bao bì, hóa chất tăng, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 20%, trong khi giá thành thức ăn chăn nuôi của cá tra, tôm chiếm 65 - 70%... dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra sẽ tăng theo.

Để nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.Với các hiệp hội, ngành hàng và DN, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị phải thường xuyên cập nhật tình hình của DN, chủ động cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc bộ và các bộ, ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn