MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp kiến nghị làm rõ danh mục các sản phẩm có đường áp thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Thùy Trang

Áp thuế đặc biệt đồ uống có đường: Không nên coi đường là "tội phạm"

THÙY TRANG LDO | 21/03/2023 09:44

Với lý do đồ uống có đường làm gia tăng tình trạng trẻ thừa cân, béo phì nên Bộ Tài chính đề xuất sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng cần có định nghĩa rõ ràng và không cào bằng. Bởi đa phần các thực phẩm đều có đường và chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào về loại “đồ uống có đường”.

Sữa bị đánh thuế ảnh hưởng ngay đến trẻ em, người già

Tại hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được tổ chức giữa tháng 3 tại Đà Nẵng, ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam phân tích, để tạo năng lượng cho cơ thể sống cần 3 thành phần là đường, đạm và chất béo. Vậy nếu coi đường như "tội phạm" là không đúng khi mỗi người đang sống nhờ vào các sản phẩm đa phần có đường, ví dụ sữa bò.

 Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam đề nghị cần làm rõ định nghĩa đồ uống có đường. Ảnh: Thùy Trang

Trong khi đó, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để chế biến sâu, giải cứu nông sản, trái cây tức là làm ra nước ép, nước trái cây. Mà đã chế biến công nghiệp thì phải bổ sung đường để đồng nhất sản phẩm. Nếu sản phẩm đó bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì e rằng doanh nghiệp chẳng dám đầu tư.

“Tôi đề nghị Bộ Tài chính định nghĩa lại đồ uống có đường là gì vì hiện nay chưa có luật và tiêu chuẩn nào quy định cũng như các sản phẩm cụ thể nào bị đánh thuế. Vì như sản phẩm bột hòa tan cũng có đường thì có bị đánh thuế này hay không?

Và cần hết sức cẩn trọng vì sữa hoặc sản phẩm có đường dành cho người bệnh, người già đang sử dụng hiện nay, nếu chúng ta không cẩn thận, đánh đồng tất cả thì rất nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng” – ông Trung đề nghị.

Đánh giá tác động của luật tới doanh nghiệp lẫn người dân

Chung quan điểm này, ông Christopher Vanloon, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Đà Nẵng bày tỏ quan ngại về việc xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn để kiểm soát béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ có khoảng ¼ quốc gia trên thế giới áp dụng thuế với đồ uống có đường. Đây là một thuật ngữ gây nhầm lẫn vì các tài liệu khoa học trong chính báo cáo này lại sử dụng một thuật ngữ khác là nước giải khát có bổ sung đường.

“Tuy nhiên chúng tôi thấy không có quốc gia nào trong số này chứng minh được hiệu quả của sắc thuế trong việc giảm béo phì và đái tháo đường, trong khi đó nó đang gây ra những tác động về kinh tế và xã hội lớn đến một số quốc gia” – ông Christopher Vanloon nói.  

Theo hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành cũng không có định nghĩa nào là đồ uống có đường. Do đó, đề xuất trên của Bộ Tài chính sẽ bao gồm cả nhiều loại sản phẩm và thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống và tốt cho sức khỏe, ví dụ như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ có thai, người già, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh… Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này như vậy sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của hộ gia đình và sức khỏe của người dân.

“Bộ tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất này đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội” – Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Đà Nẵng kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn