MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân trồng mía và ngành mía đường trong nước khó khăn trước "cơn lốc" đường nhập ngoại. Ảnh: Nguyễn Huyền

Áp thuế phòng vệ thương mại, ngành mía đường trong nước vẫn lao đao

Vũ Long LDO | 15/07/2021 18:54

Dù áp thuế phòng về thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, ngành mía đường trong nước vẫn gian nan trong "cơn lốc" đường nhập ngoại giá rẻ.

Sáng 15.7, có mặt tại một số cửa hàng tạp hóa, ghi nhận của PV cho thấy, đường nhập khẩu vẫn tràn ngập thị trường, áp đảo đường sản xuất trong nước. Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Hà - chủ siêu thị mini tại ngõ 118 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Tại thị trường miền Bắc, các tiểu thương ít bán đường nội bởi giá cao hơn đường nhập ngoại từ 3.000-5.000 đồng/kg, tùy loại. Sau khi nhập khẩu về Việt Nam theo từng bao lớn 50kg, thậm chí 1-2 tạ, phần lớn đường ngoại được chia nhỏ ra các gói để bán lẻ cho người tiêu dùng.

Trong khi đường sản xuất trong nước đều ghi rõ xuất xứ “Đường Biên Hòa”, “Đường Lam Sơn”, “Đường Quảng Ngãi”,… thì đường nhập khẩu chỉ ghi chung chung: "Đường mía chất lượng cao"; "Đường tinh luyện đặc biệt"… Thông tin trên bao bì chỉ ghi chung chung: Sản xuất từ cây mía; đóng gói tại công ty…; tuyệt đối không ghi xuất xứ cụ thể.

Đường trong nước (trái) và đường nhập khẩu. Ảnh: Vũ Long
Khảo sát của PV, với 1kg đường vàng của Thái Lan có giá từ 20.00-22.000 đồng/kg (tùy giá từng cửa hàng), trong khi đó, giá đường nâu của Biên Hòa lên tới 55.000 đồng/kg - hoàn toàn không phải là giá cạnh tranh khi so sánh với đường nhập ngoại.

Chia sẻ với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Trăm, kinh doanh tạp hóa tại phố Trần Vỹ (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: Do đường ngoại bán chạy hơn, giá mua vào thấp hơn, nên tiểu thương như bà chủ yếu nhập loại này về để bán.

Đường Thái Lan “đi vòng” để né thuế chống bán phá giá

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia đã lên đến 320.000 tấn, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2020 (20.043 tấn). Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khẳng định, cả 5 nước ASEAN nêu trên đều không đủ năng lực sản xuất đường để xuất khẩu vào Việt Nam với số lượng tăng đột biến như vậy.

Đường ngoại nhập khẩu về Việt Nam với số lượng lớn gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Đồ họa: VSSA

VSSA cho rằng, hiện tượng này chỉ có thể là dấu hiệu “lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp” đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam thông qua nước thứ ba. Thống kê số liệu cho thấy, trong tháng 6.2021, đường có nguồn gốc Thái Lan, nhưng không nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, vẫn tiếp tục tràn vào Việt Nam chi phối thị trường, thông qua việc nhập khẩu “đi vòng” qua nước thứ 3.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký VSSA, đường Thái Lan đã tìm được hình thức tinh vi mới là đi vòng qua các nước để “né” thuế chống bán phá giá tại Việt Nam. Do đó, lượng đường nhập khẩu giá rẻ vẫn tràn vào Việt Nam gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước.

Thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ 1.1.2020, thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ ở mức 5% (trừ Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp). Trong khi một lượng lớn đường nhập khẩu bao gồm đường lậu gian lận thương mại, đường lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại vẫn đang tràn ngập và chi phối thị trường, thì đường nhập lậu trốn thuế vẫn âm thầm thẩm lậu vào Việt Nam, gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước, khiến hàng chục nhà máy mía đường phải "đắp chiếu".

Báo cáo tình hình sản xuất đến mía đường đến tháng 6.2021 niên vụ 2020-2021 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong tháng 5/2021, ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2020/2021. Lũy kế tổng lượng mía ép 6.739.417 tấn mía sản xuất được 689.830 tấn đường. Tuy nhiên, mức tiêu thụ đường trong nước rất chậm bởi sự lấn át của đường nhập ngoại bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch lấn át.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn