MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: Ngọc Hân

APCI2020: Vì một nền hành chính minh bạch, không “chi phí gầm bàn"

Vũ Long LDO | 16/03/2021 18:25

Báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020) phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Xác định gánh nặng chi phí của doanh nghiệp

Ngày 17.3.2021, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng tư vấn cải cách TTHC) tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

Báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC trên cả nước, được thực hiện từ năm 2018.

Báo cáo APCI 2020 tiếp tục đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để thực hiện các TTHC, qua đó xác định những nhóm TTHC đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời, Báo cáo APCI 2020 có thể được sử dụng như một trong những thước đo về hiệu quả của những nỗ lực cải cách TTHC ở cấp trung ương (cấp ban hành chính sách) và cấp địa phương (cấp thực thi) nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, chất lượng quản trị công của bộ máy hành chính nhà nước các cấp.

Một trong những khuyến nghị mà Báo cáo APCI 2020 đưa ra và nhấn mạnh là “Đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử trong việc thực hiện các TTHC, thúc đẩy kênh thông tin liên lạc giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường phương thức giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp qua môi trường mạng trên nền tảng các hệ thống cơ sở dữ liệu được chia sẻ, liên thông”.

Thực tế kết quả khảo sát cho thấy, đẩy mạnh điện tử hoá TTHC là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực đã và đang triển khai điện tử hoá. Việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, đặc biệt trong bối cảnh Dịch COVID-19.

Quyết liệt cải cách để cắt giảm chi phí không chính thức

Khảo sát của nhiều tổ chức xã hội cho thấy, chi phí không chính thức - "chi phí gầm bàn" xuất hiện ở tất cả các nhóm TTHC được khảo sát. Nhóm nghiên cứu của APCI chỉ ghi nhận một tỉ lệ nhỏ trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát phản ánh về việc phải chịu chi phí không chính thức, cụ thể là 4,1% và 3,4% tổng số doanh nghiệp được khảo sát tương ứng của năm 2019 và 2020. Số tiền trung bình ghi nhận giảm 11,6% trong năm 2020 so với 2019.

Nhóm nghiên cứu APCI cho rằng, mặc dù kết quả qua 2 năm phản ánh có sự tiến bộ nhất định trong việc cắt giảm chi phí không chính thức, tuy nhiên, đây vẫn là một trong bốn vấn đề trọng tâm được báo cáo nêu ra như là bài học để tiếp tục thúc đẩy cải cách vì chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Cải cách thủ tục hành chính mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Long

Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chưa hoàn toàn tương xứng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kỳ vọng từ Chính phủ vì còn nhiều hoạt động hậu kiểm vẫn đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép”, vì thế không giúp được gì cho mục tiêu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn