MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam. Ảnh: Deloitte

APEC có ý nghĩa chiến lược trong phát triển của Việt Nam

Lan Hương (thực hiện) LDO | 16/11/2023 15:34

Khu vực APEC có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam. Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội vàng từ APEC đem lại? Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam về vấn đề này.

APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với các thành viên APEC. Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội từ APEC và các FTA?

- Khu vực APEC có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam. APEC là diễn đàn quy tụ 15/30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% kim ngạch thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 85% khách du lịch.

13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần có những chiến lược và hành động đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đơn giản hóa hệ thống quy định pháp luật, phát triển các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư mới và hoàn thiện các chính sách ưu đãi bổ sung (cả về thuế quan và thuận lợi thương mại) áp dụng cho các doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán của các hiệp định song phương/đa phương còn đang dở dang và rút ngắn lộ trình áp dụng thuế ưu đãi theo các hiệp định, các cam kết, ghi nhận song phương/đa phương.

Các hiệp định thương mại chỉ có thể tối ưu hiệu quả khi doanh nghiệp biết đến và hiểu rõ những lợi ích. Theo đó, Chính phủ và các bộ Ban ngành cần tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp...

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được chú trọng, Việt Nam cũng xem xét đến những chính sách, ưu đãi liên quan đến trao đổi, mua bán các sản phẩm, dịch vụ mà đáp ứng yêu cầu cắt giảm khí nhà kính trong khu vực APEC.

Theo khảo sát của Deloitte Access Economics, 74% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết trao đổi buôn bán các mặt hàng thân thiện với môi trường có phần dễ dàng hơn trong 5 năm qua, tỉ lệ này tăng lên 76% đối với các doanh nghiệp trong APEC.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết, các quy định về môi trường là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy thương mại cho các sản phẩm dịch vụ này.

Thưa bà, Việt Nam có những đóng góp gì cho các chủ đề ưu tiên của APEC như an ninh lương thực, y tế, chống tham nhũng, số hóa, trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện?

- Trong 25 năm, Việt Nam đóng góp tích cực với những sáng kiến và dự án khác nhau nhằm đạt những mục tiêu dài hạn của APEC. Cụ thể, Việt Nam nỗ lực đóng góp nhằm xây dựng chủ đề cho sự kiện APEC 2023: Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người.

Việt Nam là một trong những thành viên chủ động nhất, tích cực đề xuất các sáng kiến, dự án với gần 150 dự án trải trên nhiều những lĩnh vực khác nhau như phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu... - những “viên gạch nền” không thể thiếu được để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện. Những dự án này được đánh giá thiết thực, hướng tới phát triển bao trùm và đáp ứng nhu cầu chung.

Việt Nam hai lần thành công đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC và đều được đánh giá cao. Năm 2017, Việt Nam đề xuất xây dựng tầm nhìn mới APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC, thể hiện tầm nhìn dài hạn, cũng là nền tảng để APEC thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040, xác định ưu tiên của APEC trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đóng góp những sáng kiến nói trên, Chính phủ bắt tay triển khai và thúc đẩy các vấn đề an ninh lương thực, chống tham nhũng và số hóa một cách mạnh mẽ ở cấp các cơ quan quản lý nhà nước.

Một số ví dụ có thể kể đến như: quản trị dữ liệu dân cư, quản lý kê khai của ngành hải quan và thuế; các doanh nghiệp lớn đầu ngành áp dụng Automation, Machine learning và Open AI nâng cao năng suất lao động; hay việc sớm ban hành các khuyến nghị, chính sách về phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển nguồn năng lượng sạch của các bộ ban ngành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn