MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bà Ba Huân: "Bình ổn giá để Tết này ai cũng có nồi thịt kho hột vịt để ăn"

Cường Ngô LDO | 08/12/2021 12:45
Tại Hội nghị Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (8.12), bà Ba Huân cho biết, trong đợt dịch vừa qua, có những ngày, xe tải xếp dài gần cây số ở cổng nhà máy để chờ lấy trứng, vì doanh nghiệp bán hàng với giá bình ổn, không chạy theo lợi nhuận. 

Quyết bán hàng bình ổn trong đại dịch

Có 50 năm kinh nghiệm trong ngành chế biến trứng gia cầm, bà Phạm Thị Huân (hay còn gọi là Ba Huân) - Tổng giám đốc công ty TNHH Ba Huân cho biết, chưa bao giờ, doanh nghiệp gặp khó khăn trong những tháng vừa qua - khi dịch COVID-19 lan rộng ở TPHCM và 19 tỉnh thành phía Nam. 

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ban ngành, doanh nghiệp của bà không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản phẩm vẫn được cung cấp từ nhà máy đến bàn ăn của mỗi gia đình. 

"Tôi xuất thân là nông dân, nên hiểu được cái khó của dân nghèo Việt Nam. Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, chúng tôi phải căng mình chống dịch, thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ".

Thực hiện mô hình này rất tốn kém và phát sinh nhiều chi phí, nhưng, đổi lại, hơn 900 người lao động của nhà máy không mất việc làm, còn người dân có trứng để dùng", bà Huân nói.

Bà Ba Huân chia sẻ với Báo Lao Động. Ảnh: C.N 

Trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TPHCM, bà Huân cho biết, để cung ứng sản phẩm trứng gia cầm cho các siêu thị, chợ đầu mối, có những ngày, xe tải xếp dài gần cây số ở cổng nhà máy, để chờ lấy trứng.

Sở dĩ xe tải xếp hàng dài để chờ lấy trứng là vì trong đại dịch, sản phẩm của bà không tăng giá, bán hàng bình ổn. "Dân nghèo có thể không có tủ lạnh để trữ thịt, cá, nhưng có thể trữ trứng để sống qua ngày, chiến đấu với dịch bệnh. Trứng bán với giá bình ổn để người dân có nồi thịt kho hột vịt trong nhà, nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới", bà Huân cho hay.

Theo bà Huân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến từng nói với bà: "Sao chị không đưa trứng ra miền Bắc?", bà Ba Huân đáp "khi nào dịch êm, tôi sẽ "chạy" một nhà máy ở phía Bắc, chúng tôi đã có kế hoạch hết rồi".

Đây cũng là lý do tôi ra Hà Nội, dự hội nghị "Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức".

Nhiều ngành công nghiệp sẽ khởi sắc trở lại

Tại hội nghị, ông Ngô Khải Hoàn - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng và các hoạt động lưu thông, do đó sản xuất dần được phục hồi và ổn định trở lại. 

Cũng theo ông Hoàn, tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10.2021 và tháng 11.2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. 

Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da-giày, điện tử được các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn. 

"Một số ngành công nghiệp như ôtô, cơ khí, thép… được dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ các chính sách tích cực của nhà nước trong thời gian tới, như giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông", ông Hoàn nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

"Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước" - ông Hải nói.

Theo ông Hải, khả năng dịch COVID-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cần có những kế hoạch để thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn