MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh cầu Phước An, một trong những dự án trọng điểm để nối đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải với Đồng Nai, vào cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Ban quản lý dự án.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều lợi thế để phát triển, thu hút đầu tư

Trí Độ LDO | 29/11/2022 11:41
Với nhiều ưu thế về vị trí và tiềm năng sẵn có, Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn toàn là điểm đến thích hợp để các nhà đầu tư quan tâm phát triển đa dạng ngành nghề.

Ưu thế từ hệ thống cảng biển, giao thông thuận lợi

Tận dụng ưu thế về vị trí địa lý, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng. Đến nay đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm.

Riêng Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời là cụm cảng có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ...  xếp vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, sân bay Quốc tế Long Thành gần sát với Bà Rịa – Vũng Tàu đang được gấp rút triển khai xây dựng. Khi hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để phát triển hệ thống giao thông kết nối cùng hệ sinh thái xung quanh.

Tàu biển làm hàng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Dương HQ

Đồng thời, hàng loạt các tuyến đường quan trọng như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, cầu Phước An, đường 991B, Phước Hòa – Cái Mép được ráo riết triển khai thực hiện. Các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng được  đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với những dự án giao thông liên vùng. Điều này giúp bảo đảm giao thông thông suốt, khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,  trên cả nước và quốc tế.

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được đặt ở vị thế quan trọng trong quy hoạch phát triển vùng Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Chính quyền địa phương cũng đã có những cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư yên tâm đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn.

Phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về tự nhiên

Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch được Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm đặc biệt cùng với nhiều ưu thế tự nhiên sẵn có như: hàng trăm km bờ biển, cùng với các bãi tắm đẹp trải dài từ Vũng Tàu đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và huyện đảo Côn Đảo; đa dạng hệ sinh thái về núi rừng, biển, đảo…

Một khu nghỉ dưỡng phức hợp chất lượng cao được đầu tư tại Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Thành An

Với lợi thế về tự nhiên đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đang được Chính phủ quy hoạch trở thành một vùng du lịch đẳng cấp quốc tế, đưa vào trong Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian tới, du lịch quốc tế của Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sẽ càng phát triển thuận lợi hơn, sau khi sân bay Quốc tế Long Thành hoàn thành đưa vào sử dụng. Lúc này, hệ thống giao thông kết nối đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thiện hơn. Qua đó, du khách quốc tế đến sân bay Long Thành, hoặc từ cảng biển Cái Mép – Thị Vải có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, địa phương cũng đang triển khai thực hiện đầu tư hệ thống đường giao thông ven biển dài 84km với 6 làn xe kết nối với đường Liên cảng, cầu Phước An để vào cao tốc Bến Lức-Long Thành; cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tạo điều kiện cho du lịch cất cánh.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cũng đang tập trung đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao. Trong đó, tập trung giải pháp chủ động mời gọi nhà đầu tư có đẳng cấp, đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn tại một số địa điểm như: Khu du lịch Núi Dinh (thị xã Phú Mỹ), vườn thú hoang dã Safari (huyện Xuyên Mộc), khu Paradise… và huyện Côn Đảo.

"Với quyết tâm phát triển du lịch chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai các dự án du lịch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa tuyến ven biển và khu vực phụ cận để phát triển các loại hình du lịch biển cao cấp; đầu tư cho công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch… ", ông Nguyễn Văn Thọ thông tin.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ:  “Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao…  Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế…” .

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn