MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Ba tỉnh khó khăn ở miền Tây: Vẫn còn nỗi lo dù tốc độ tăng trưởng cao

NHẬT HỒ LDO | 06/04/2023 08:21

Lần đầu tiên, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất ĐBSCL. Riêng tỉnh Hậu Giang tăng trưởng cao nhất nước. Dù vậy, lãnh đạo cả ba tỉnh đều cho rằng, trước mắt còn nhiều khó khăn, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa mới bằng các tỉnh trong khu vực.

Tín hiệu đáng mừng

Ngày 5.4, tỉnh Cà Mau bế mạc Hội nghị tổng kết Quý I, thông qua kế hoạch quý II/2023 sau hai ngày làm việc.

Thông qua Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ quý I và nêu phương hướng, nhiệm vụ trong quý II, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt thông tin, 3 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng 9,05% so cùng kỳ, cao nhất so với những năm gần đây. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,3%, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực. Thu hút 2 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 221 tỉ đồng, đến nay có 441 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 144.917 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 26.3, tỉnh Hậu Giang cũng sơ kết quý I/2023. Báo cáo kinh tế xã hội của UBND tỉnh này cho thấy, tăng trưởng GRDP đạt mức tăng 12,67%. Đây cũng là lần đầu tiên tăng trưởng quý của tỉnh Hậu Giang được xếp đạt mức cao nhất cả nước, các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 26,38% dự toán trung ương, đạt 24,96% dự toán HĐND tỉnh...

Tại tỉnh Bạc Liêu, tăng trưởng GRDP đạt 7,01% so cùng kỳ, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL.

Khó khăn vẫn còn phía trước

Dù phát triển khá nhất trong khu vực, nhưng lãnh đạo 3 tỉnh này đều cho rằng, khó khăn, thách thức đang còn phía trước. Muốn phát triển nhanh, bền vững theo kịp các tỉnh có rất nhiều việc phải làm.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết: Muốn duy trì chỉ tiêu tăng trưởng phải tập trung cho đầu tư công, nhất là tuyến đường cao tốc Cần Thơ về Cà Mau, dự án điện gió nên các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển, Năm Căn phải tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Thời gian tới, lĩnh vực du lịch của tỉnh sẽ khả quan hơn, nhưng hiện nay số phòng nghỉ tại các khách sạn còn ít nên các ngành liên quan, địa phương phải nghiên cứu và có biện pháp đảm bảo đủ nơi lưu trú, vui chơi cho du khách khi đến Cà Mau vào dịp lễ 30.4 và 1.5 và định hướng lâu dài trong thời gian tới.

Công tác thu hút đầu tư hiện nay gặp khó nhưng phải tranh thủ tối đa các dự án về phát triển du lịch, đô thị kết hợp sinh thái, tránh dàn trải khi mời gọi đầu tư. Công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng phải làm từng bước và ưu tiên theo khu vực cụ thể…

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhìn nhận, vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là ở khu vực nông nghiệp, giá tôm thương phẩm có tăng nhẹ từ 3,57 - 13,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn; công tác quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản còn một số hạn chế, nhiều tàu đánh bắt không ra khơi. 

Thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; cộng thêm giá nhiên liệu tăng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trong quý II/2023, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 15 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như: đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Mục tiêu quan trọng nữa là tỉnh Bạc Liêu ưu tiên các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường…

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm, thủy sản, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư hạ tầng cho phát triển vẫn là ưu tiên hàng đầu của 3 tỉnh: Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Bởi, nền kinh tế còn phụ thuộc khá nhiều vào cây lúa, con tôm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn