MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức khỏe tài chính bộc lộ nhiều vấn đề nhưng Công ty Tân Thịnh vẫn "ẵm" nhiều dự án trăm, nghìn tỉ tại Bắc Giang.

Bắc Giang: Công ty Tân Thịnh "lớn nhanh như thổi" sau dự án BT cầu Đồng Sơn

Tùng Thư LDO | 17/04/2021 19:02

Sau khi trúng dự án BT cầu Đồng Sơn và đường lên cầu vào tháng 11.2016, doanh thu của Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh tăng trưởng gần 300% trong giai đoạn 2016-2019 (1.609 tỉ đồng). Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ báo lãi ở mức vài tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu của Tân Thịnh chỉ đạt 0,3 - 0,4% - một tỉ lệ rất thấp so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp xây dựng.

Năng lực tù mù vẫn ôm dự án nghìn tỉ, đổi lấy hàng chục ha đất

Như Lao Động đã phản ánh, Công ty Tân Thịnh là “gương mặt thân quen” trong nhiều gói thầu “khủng” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và cũng là doanh nghiệp nhiều tai tiếng, đã bị Thanh tra Chính phủ vạch hàng loạt sai phạm tại Dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu (BT).

Theo đó, ngày 8.11.2016, Công ty Tân Thịnh được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt làm nhà đầu tư dự án cầu Đồng Sơn và đường lên cầu với tổng mức đầu tư 1.163 tỉ đồng. Đổi lại, công ty sẽ được thanh toán bằng 14,25ha đất thuộc phân khu số 6, 7 Khu đô thị phía nam TP. Bắc Giang.

Tháng 7.2020, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án cầu Đồng Sơn, trong đó đáng chú ý là việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, “còn bỏ qua một số yêu cầu của Hồ sơ mời sơ tuyển, Hồ sơ mời thầu; chưa làm rõ mức độ đáp ứng về năng lực của nhà đầu tư theo yêu cầu của Hồ sơ mời sơ tuyển, Hồ sơ mời thầu.”

“Hồ sơ mời sơ tuyển Nhà đầu tư còn thiếu một số tiêu chí: chưa yêu cầu năng lực tài chính về nguồn vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện dự án khác tạo nguồn vốn thu hồi để thực hiện dự án BT”.

Trong phần kiến nghị, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo “Không giao cho các cơ quan, đơn vị không đủ năng lực làm chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước”.

Lao Động đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang để làm rõ thông tin về năng lực của Công ty Tân Thịnh. Tuy nhiên, cho đến nay, PV Lao Động chỉ nhận được lời hứa tiếp nhận và... báo cáo cấp trên.

Doanh thu tốc biến hậu BT nhưng báo lãi èo uột

Năm 2018 - 2019, 2 năm sau khi Xây dựng Tân Thịnh trúng dự án BT Cầu Đồng Sơn để đổi lấy 14,25ha đất thuộc phân khu số 6, 7 Khu đô thị phía nam TP. Bắc Giang, tại khu vực này đã xuất hiện tình trạng “sốt” đất.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, giá đất tại Khu đô thị phía nam TP. Bắc Giang ở thời điểm đó dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/m2. Thậm chí, ở nhiều thời điểm giá đất tại đây còn được các cò đất đẩy lên cao hơn.

Nếu chỉ tính ở mức giá tối thiểu là 20 triệu đồng/m2 thì với 14,24 ha (hơn 140 nghìn m2) được đối ứng sau khi Công ty Tân Thịnh đầu tư 1.163 tỉ đồng xây dựng cầu Đồng Sơn, ước tính giá trị khu đất đã tương đương với 2.800 tỉ đồng.

Sau khi trúng dự án BT Cầu Đồng Sơn - doanh thu của Tân Thịnh tăng trưởng mạnh.

Theo tìm hiểu của Lao Động, năm 2016 - thời điểm trúng dự án BT Cầu Đồng Sơn, Công ty Tân Thịnh ghi nhận doanh thu 413,72 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này báo lãi trước thuế 2,3 tỉ đồng và lãi sau thuế vỏn vẹn 1,84 tỉ đồng.

Đáng chú ý, năm 2016, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty Tân Thịnh âm 43,89 tỉ đồng. Giới chuyên gia kinh tế từng nhiều lần đánh giá, dòng tiền kinh doanh âm là điểm xám trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Bởi lẽ, báo cáo dòng tiền kinh doanh chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đã đi đâu về đâu, tại sao doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng lại thường xuyên thiếu tiền? Qua đó, đánh giá về tính bền vững của lợi nhuận, khả năng chi trả nợ và lãi vay.

Tình trạng dòng tiền kinh doanh âm của Công ty Tân Thịnh kéo dài từ năm 2016-2018. Cụ thể, năm 2017 âm 659,43 tỉ đồng. Năm 2018 âm 370 tỉ đồng.

Cùng với sự thâm hụt nghiêm trọng của dòng tiền kinh doanh là nợ phải trả của Tân Thịnh tăng 482% trong giai đoạn 2016-2018. Thậm chí năm 2018, nợ phải trả của Tân Thịnh là 1.302 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu (301,76 tỉ đồng).

Tuy nhiên, giai đoạn này Công ty Tân Thịnh liên tiếp trúng nhiều gói thầu hàng trăm tỉ tại Bắc Giang.

Với những gói thầu lớn, quan trọng, có sử dụng ngân sách nhà nước, khi thẩm định năng lực nhà thầu/nhà đầu tư, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang có thẩm tra báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp hay không?

Với những chỉ số tài chính quan trọng như trên, Công ty Tân Thịnh có thể được coi là một doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực tài chính để thâu tóm nhiều dự án và gói thầu quan trọng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hay không?

Hai năm sau khi trúng dự án BT Cầu Đồng Sơn (2018-2019), Công ty Tân Thịnh “lớn nhanh như thổi” nếu xét về quy mô doanh thu. Từ chỗ chỉ đạt 413,72 tỉ đồng doanh thu năm 2016; 525,95 tỉ đồng (2017) đã vọt lên 996,58 tỉ đồng (2018) và 1.609 tỉ (2019).

Tuy nhiên, lãi sau thuế của Tân Thịnh chỉ lần lượt đạt 2,98 tỉ đồng (2018) và 5,66 tỉ đồng (2019).

Tỉ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu (ROS) của Tân Thịnh chỉ đạt 0,3 - 0,4%. Theo khảo sát mà Lao Động thực hiện với các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán thì đây là tỉ lệ vô cùng thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn