MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một KCN trên địa bàn huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Kế

Bắc Giang tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, Bắc Ninh dự báo thuộc nhóm thấp nhất

Vân Trường LDO | 04/12/2023 15:33

Bắc Ninh và Bắc Giang được biết đến là hai địa phương "thay da đổi thịt" nhờ trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn công nghiệp, điện tử lớn trên thế giới. Tuy vậy, bức tranh tăng trưởng kinh tế của của 2 địa phương trong năm 2023 có xu hướng trái chiều.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,45%, dẫn đầu cả nước.

Trong khi đó, "tỉnh hàng xóm" Bắc Ninh, theo báo cáo của UBND tỉnh, GRDP năm nay ước tính giảm 6,18%. Thậm chí, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GRDP năm 2023 của Bắc Ninh sẽ âm khoảng 9%, thuộc nhóm tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, một số tỉnh năm 2023 có tăng trưởng cao như Bắc Giang, Quảng Ninh. Các tỉnh này đang phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, có một số ngành hàng mới, một số doanh nghiệp mới...

"Bắc Giang phát triển rất đều các ngành và vẫn tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới, những dự án đầu tư quy mô lớn đi vào hoạt động", phía Tổng cục Thống kê cho biết.

Đối với Bắc Ninh, sụt giảm kinh tế được xác định chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm rất mạnh (khoảng gần 14%), tập trung chính ở ngành điện tử. Bởi trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng gần 70%.

Không chỉ Bắc Ninh, những tỉnh trước đây có tăng trưởng rất lớn như Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, trong giai đoạn dịch và những năm gần đây bị ảnh hưởng rất lớn về sản xuất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Năm nay, nhu cầu thế giới, đặc biệt từ các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, một phần từ Trung Quốc (đầu vào) bị ảnh hưởng, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam, cũng như kết quả sản xuất của các địa phương.

Từ đó, Tổng cục Thống kê khuyến cáo, trong thu hút FDI, các tỉnh, thành phố phải thu hút nhiều ngành, lĩnh vực; không nên tập trung vào một số ngành, để tình trạng một số ngành chiếm cơ cấu rất lớn, quá phụ thuộc sẽ dễ dẫn tới rủi ro.

Bởi khi một ngành có tỉ trọng cao bị ảnh hưởng sẽ kéo theo tăng trưởng của tỉnh, sau đó là tới đời sống kinh tế, dịch vụ liên quan.

Lý giải tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, bên cạnh yếu tố khách quan, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian.

Thiếu chủ động trong tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và các biện pháp, giải pháp có tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực chưa triệt để, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn