MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) . Ảnh: Nhật Hồ

Bạc Liêu thu hút mạnh dòng vốn đầu tư

Nhật Hồ LDO | 29/11/2022 08:00

Sáng ngày 28.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các tỉnh thành phố và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022.

Thu hút mạnh nhà đầu tư

Bạc Liêu có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối tới cách trung tâm các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng trong phạm vi bán kính 60km có nhiều điều kiện phát triển kinh tế.

Bạc Liêu lại có nhiều tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là con tôm và trọng tâm là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuyên về tôm duy nhất cả nước.

Đến nay tỉnh đã thu hút được dự án điện khí LNG 3.200 MW, có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với công suất gần 470 MW, đứng thứ 3 cả nước. Các dự án này đang là động lực chính cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.    

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2018 đến nay, tỉnh thu hút được 184 dự án, trong đó có 167 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 53.000 tỉ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4,5 tỉ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cam kết: "Đến với Bạc Liêu, chúng tôi cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất và sẽ được hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất theo phương châm “việc gì khó dành cho Chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”. Sự thành công của quý vị chính là sự phát triển của Bạc Liêu”.

Trong khó khăn vẫn thấy cơ hội

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu thực tế, ĐBSCL đang trong một tình thế phát triển khác thường, chịu tác động cộng hưởng mạnh mẽ của hai dòng vận động ngược chiều: Nước biển dâng kết hợp với xu thế suy giảm mạnh lượng nước ngọt và phù sa đổ về. Thế “lấn biển” của vùng chuyển sang thế “bị biển lấn”. Bạc Liêu, địa phương “tuyến đầu” của vùng, đương nhiên, phải đặt mình trong thế chung đó để xác định tầm nhìn, tư duy và chiến lược hành động.

“Mười năm qua, Bạc Liêu đã tự đặt mình trong thế “động” của xu hướng tiến lên. Không có những lợi thế phát triển đặc biệt, Bạc Liêu đã nhận diện đúng hai xu thế lớn của thời đại để “lật ngược tình thế”: Chọn điện gió và chọn nuôi tôm “công nghệ” để bứt phá phát triển”, ông Thiên nhận định.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đến nay, Bạc Liêu đã gây dựng thành công hình ảnh một trung tâm Năng lượng tái tạo và trung tâm tôm của vùng, đang nỗ lực xây dựng “thủ phủ tôm” với chuỗi sản xuất và cung ứng tôm có sức cạnh tranh toàn cầu. Đó là những cơ sở vững chắc để thực hiện thành công quá trình hiện đại hóa - đô thị hóa với mục tiêu xây dựng TP.Bạc Liêu thành trung tâm kết nối và lan tỏa phát triển tiểu vùng bán đảo Cà Mau.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu, doanh nghiệp cũng cho rằng, Bạc Liêu vẫn còn dư địa để phát triển điện gió, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng sạch. Điều này sẽ là tạo độ thu hút đầu tư lớn, tạo nhiều GRDP và ngân sách cho tỉnh...

Phát biểu tại hội nghị xúc tiền đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Chúng ta phải đánh giá hết các khó khăn để biến khó khăn thành cơ hội, từ đó chúng ta sẽ thành công. Với tỉnh Bạc Liêu, khó khăn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng là chung. Điều quan trọng là chúng ta nghiên cứu dự báo để có phương án chuẩn bị từ lúc này, làm sao biến bất lợi thành lợi thế”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn