MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện gió trên bãi bồi ven biển tại Bạc Liêu là đơn vị hòa vào lưới điện quốc gia sớm nhất ĐBSCL (ảnh Nhật Hồ)

Bạc Liêu: Từ bãi bồi hoang vu đến trung tâm năng lượng cả nước

NHẬT HỒ LDO | 15/10/2020 07:35
Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 -2025 chọn phát triển năng lượng trọng tâm là điện gió, điện khí, điện mặt trời là một trong 3 đột phá của tỉnh. Bởi, trước đó tỉnh này đã tạo “nền móng” cho sự hồi sinh trên vùng đất bãi bồi ven biển thành bệ phóng cho ngànhnăng lượng sạch.

Vùng bãi bồi hồi sinh thành năng lượng

Một trong những đột phá chiến lược được Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL và quốc gia.

Sau gần 10 năm, hơn 1 tỉ Wh được phát lên lưới điện Quốc gia tỉnh đến tháng 10.2020. Ảnh: Nhật Hồ

Cách đây 5 năm lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đề xuất Chính phủ rút Cụm nhà máy nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ điện VII). Hơn ai hết, lãnh đạo tỉnh này nhận thấy rằng, điện than sẽ rất khó dung hòa với vùng đất ngập mặn ven biển với lợi thế là con tôm có từng hàng trăm năm nay.

Từ 2019 đến nay, hàng loạt các dự án điện gió được động thổ, khởi công tại Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhớ lại: “Nói thì nghe rất dễ, nhưng để đi đến quyết định xin rút khỏi điện than là cả một quá trình. Chúng tôi phải họp nhiều lần, bàn nhiều khía cạnh mới đi đến quyết định”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chia sẻ công tác thu hút đầu tư năng lượng điện gió tại lễ khởi công (ảnh Nhật Hồ)

Với mục tiêu phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thời gian qua Bạc Liêu đã tích cực mời gọi đầu tư và trở thành địa phương thu hút nhiều dự án động lực nhất về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Nhiều dự án điện gió trên bãi bồi ven biển Bạc Liêu đã chính thức khởi động. Ảnh: Nhật Hồ

Điều khó ai ngờ là Bạc Liêu đã hoàn thành Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1, Điện gió Bạc Liêu 2 với quy mô công suất hơn 99MW với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt trên 1,1 tỉ kWh. Đây được xem là dự án điện gió trên bãi bồi ven biển lớn nhất nước hiện nay.

Người dân Bạc Liêu rất vui khi nguồn đầu tư điện gió liên tiếp đổ về vùng ven biển. Ảnh: Nhật Hồ

Từ năm 2019 đến ngày 15.10, đã có 10 dự án nhà máy điện gió được khởi công trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất 562MW và tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1 tỉ USD. Cùng với hơn 27 dự án điện gió khác, với tổng công suất hơn 5.000MW đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII của quốc gia, Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.

Năng lượng từ điện gió sẽ giúp Bạc Liêu thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế. Ảnh: Nhật Hồ

Đặc biệt, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Dự án này sẽ vận hành tổ máy đầu tiên 750MW vào năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2027.

Mục tiêu thành Trung tâm năng lượng ĐBSCL

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, Dự án Nhiệt điện khí LNG sẽ góp phần nâng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp của tỉnh và sẽ đóng góp hơn 50% tổng thu ngân sách. Dự án này được xem là khâu đột phá, tạo nên những động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm hàng đầu về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của khu vực ĐBSCL và quốc gia.

Nhà đầu tư Dự án điện Năng lượng khí hóa lỏng LNG có số vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD ký cam kết thực hiện đúng tiến độ (ảnh Nhật Hồ)

Năm 2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 137 “Về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu của kế hoạch là cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 9.780MW. Xây dựng hệ thống lưới điện có khả năng kết nối các tỉnh lân cận và khu vực ĐBSCL, cũng như đến năm 2045, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và trở thành ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn