MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ thị cổ phiếu SAB rớt giá 2 phiên liên tiếp sau thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công ngày 18.12.2017.

Bài học gì rút ra từ thương vụ thoái vốn Sabeco?

LAN HƯƠNG thực hiện LDO | 21/12/2017 08:26

Cổ phiếu SAB của Sabeco hiện đang là tâm điểm sự chú ý vì là một trong những thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Bộ Công Thương thu về gần 110 nghìn tỉ đồng với giá bán SAB “quá hời” là 320.000 đồng/cổ phiếu. 

Chốt phiên ngày 20.12, giá SAB tụt sâu xuống còn 267.500 đồng/cổ phiếu. Tính sơ, Vietnam Beverage đang tạm “lỗ” khoảng 18.000 tỉ đồng. Nếu xét về khía cạnh kinh tế, Bộ Công Thương đã thành công rực rỡ vì đã mang lại một lượng ngoại tệ rất lớn, giúp củng cố ngân sách. Nhưng có chuyên gia lại cho rằng, thương vụ thoái vốn Sabeco và Vinamilk, chúng ta đang bị mất thương hiệu Việt.

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) về câu chuyện thoái vốn Sabeco và bài học rút ra cho các lần thoái vốn DNNN sắp tới.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh.

- Ông đánh giá như thế nào về thương vụ thoái vốn Sabeco “ồn ào” trong thời gian qua?

- Theo tôi việc thoái vốn ở Sabeco là thành công bởi chúng ta đã bán được với giá cao cho nhà đầu tư nước ngoài. Giá cao phản ánh ở mức định giá PE >45 với giá bán 320.000đ/CP trong khi trung bình ngành trong khu vực chỉ xấp xỉ một nửa. Việc bán được cho đối tác nước ngoài cũng mang lại một lượng ngoại tệ rất lớn, giúp nhanh chóng củng cố ngân sách và gia tăng nội lực.

- Trước khi cuộc đấu giá chính thức diễn ra, nhiều nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu Sabeco đang quá cao nếu tham chiếu so với giá cổ phiếu Vinamilk. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Thương vụ thoái vốn ở Sebeco có thể nói là một thương vụ vô cùng hiếm bởi trên thế giới không còn một Cty bia lớn nào lại bán trên 50% ngay trong một đợt chào bán. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa thoái vốn ở Sabeco và Vinamilk vì ở Vinamilk việc thoái vốn được chia làm nhiều lô nhỏ. Bởi tính chất hiếm của thương vụ Sabeco nên phía người mua cũng rất chọn lọc bởi không phải đối tác nào cũng có đủ năng lực để tiếp quản Sabeco hay có sẵn một lượng lớn tiền mặt.

- Theo ông, từ việc thoái vốn thành công của Sabeco, chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm gì cho các lần thoái vốn của DNNN tiếp theo?

- Nhìn ở góc độ khách quan, thành công cơ bản là chúng ta phải bán được với giá cao, càng cao càng tốt bởi xét cho cùng tiền bán được thuộc về ngân sách hay của người dân nói chung. Xét ở góc độ này, việc định giá và tìm người mua cần phải thực hiện đồng thời và khéo léo. Cách thức lựa chọn đơn vị tư vấn, lựa chọn địa điểm thực hiện road show, phương thức cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư… tựu chung là chiến lược bán phải thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp.

- Mặc dù thương vụ thoái vốn Sabeco và Vinamilk được cho là thành công nhưng có ý kiến cho rằng chúng ta đang bị mất thương hiệu Việt, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chủ trương nới room lên trên 49% đã được thông qua nhiều năm và kết quả là nhiều DN đang niêm yết đã có tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên 50%. Nếu nói tỉ lệ nước ngoài sở hữu trên 50% đồng nghĩa mất thương hiệu Việt là việc cần phải xem xét lại bởi những DN có tỉ lệ sở hữu nước ngoài trên 50% hiện vẫn đậm chất Việt.

Tôi hiểu quan điểm của người đang lo lắng việc mất đi thương hiệu Việt. Tôi cho rằng lòng tự tôn dân tộc là điều rất đáng trân trọng. Nhưng cần nhìn vào thực tế phát triển kinh tế Việt Nam hiện tại, đó là chúng ta đang phải dựa vào dòng vốn nước ngoài để có tăng trưởng, điển hình là khối FDI mới thực sự đang tạo ra động lực cho tăng trưởng GDP trong nhiều năm qua.

Nhìn một cách tổng thể, khối DNNN và tư nhân Việt Nam chưa đủ mạnh và vì vậy trước mắt chúng ta phải tận dụng cơ hội để thu hút dòng tiền nước ngoài, tạo lập nội lực để từ đó phát triển khối doanh nghiệp trong nước. Tôi rất hy vọng những chính sách phát triển kinh tế đúng đắn sẽ giúp chúng ta có những sản phẩm mang thương hiệu Việt tầm cỡ khu vực và hướng ra toàn thế giới trong 3 đến 5 năm tới.

- Ông Phan Đăng Tuất - nguyên Chủ tịch Sabeco - trả lời PV báo chí cho rằng nên giữ quan điểm ưu tiên bán cho các DN nội dù giá có thấp hơn. Nhắc lại những thương hiệu một thời như Dạ Lan, Tribeco, ông Tuất nhấn mạnh: “Tôi đã nói cả trong hội nghị Chính phủ, là cổ phần hóa không phải bán đi lấy tiền bằng mọi giá mà làm sao để thay đổi phương thức quản lý, nâng cao quản lý để hiệu quả hơn, nhà nước không còn bận tâm đi sản xuất”. Ông đánh giá sao về quan điểm này?

- Tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này ở góc nhìn từ ngân sách và đồng tiền của người dân như đã nêu ở trên. Tuy vậy tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp thoái vốn mà một số trong đó không thực sự thành công dù bên mua là DN Việt. Lý do là sau thoái vốn, quản trị doanh nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng. Xuất hiện lợi ích nhóm của cổ đông lớn, dòng tiền của DN bị giữ lại để chuyển sang các dự án của cổ đông lớn mà không trả cổ tức.

- Nối bước Sabeco sẽ là hàng loạt “hàng hot” như Habeco, Petrolimex, ACV, VEAM, Vigacera… ông đánh giá về tiềm năng của những cổ phiếu này như thế nào?

- Đây đều là các doanh nghiệp hàng đầu với thị phần và lợi nhuận rất lớn. Các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong đợi việc CPH và thoái vốn ở các doanh nghiệp này bởi khó tìm thấy ở đâu trên thế giới có những doanh nghiệp lớn tại một quốc gia đông dân và phát triển nhanh như Việt Nam. Tôi rất hy vọng với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đó tiếp tục thành công, thể hiện ở việc giá bán cao và đối tác mua là những đối tác có uy tín và tiềm lực mạnh, mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp sau thoái vốn.

- Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng: Bán Sabeco thành công là do niềm tin vào kinh tế Việt Nam

Ngày 20.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: “Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, “Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn