MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bãi xe "lậu" dưới gầm cầu Thăng Long: "Bộ GTVT đáng lẽ phải xử nghiêm"

Phạm Dung - Ngô Cường LDO | 25/12/2018 10:48

Một đơn vị quản lý yếu kém như công ty CPĐS Hà Thái thì Bộ GTVT đáng lẽ phải xử lý nghiêm, đồng thời xem xét không cho đơn vị này tiếp tục quản lý. Các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về hậu quả khôn lường từ bãi xe "lậu" dưới gầm cầu Thăng Long.

"Xẻ thịt" công trình trọng điểm quốc gia   

Bãi này dẹp đi, bãi khác lại mọc lên. Tình trạng các bãi xe trái phép ngang nhiên lấn chiếm gầm cầu Thăng Long để kinh doanh đang khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. 

Mới đây, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận tình trạng hàng nghìn mét vuông dưới gầm cầu Thăng Long đoạn đi qua phường Đông Ngạc bị chiếm dụng thành bãi gửi xe "khủng". Điều đáng nói, bãi xe này ngang nhiên hoạt động hơn 1 năm nay mà không hề bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cầu Thăng Long là công trình quốc gia

TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, việc để cho bãi xe trái phép tồn tại ngang nhiên dưới gầm cầu là điều “không thể chấp nhận”. Không gian dưới gầm cầu ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung về an toàn kết cấu cầu. Việc hàng trăm phương tiện chạy rầm rầm dưới chân cầu có thể khiến cho các mối cầu bị yếu, lâu dần sẽ ảnh hưởng tới độ an toàn của cây cầu. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Cây, Trưởng Bộ môn Đường bộ - Trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, việc các xe có trọng tải lớn và các xe bồn di chuyển dưới gầm cầu không những làm hỏng kết cấu cầu mà còn có nguy cơ cháy nổ rất cao. Nếu thực sự xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả sẽ khôn lường.

Đó là còn chưa kể, cầu Thăng Long là công trình trọng điểm quốc gia, góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 50/2015, trong đó quy định rõ “không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.

Bộ GTVT để Hà Thái “qua mặt”?

TS Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: ST

TS Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi về việc liệu có hay không “lợi ích nhóm, sự chống lưng để cho các đơn vị thuê, kinh doanh, trục lợi”, khiến cho vấn đề lấn chiếm gầm cầu trái phép diễn ra nhiều năm nay. Công ty CPĐS Hà Thái chịu trách nhiệm quản lý gầm cầu Thăng Long cho rằng, mình đã xử lý những đơn vị vi phạm nhưng “không hiệu quả” là câu trả lời không thể chấp nhận. Không có chuyện có người kinh doanh trái phép trên đất nhà anh mà anh không thể làm gì.

Chuyên gia này cho rằng, để tình trạng gầm cầu Thăng Long bị lấn chiếm trái phép, trước tiên, khuyết điểm thuộc về ngành Giao thông Vận tải vì để cho 1 đơn vị tùy tiện khai thác trái luật. Với vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải cần nhắc nhở, không để các đơn vị kinh doanh sử dụng gầm cầu thăng Long tùy tiện. Đồng thời Bộ phải thường xuyên thanh kiểm tra và xử lý dứt điểm vấn đề này.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị nắm giữ trên 50% cổ phần của Công ty CPĐS Hà Thái cũng phải có trách nhiệm với những sai phạm diễn ra tại gầm cầu Thăng Long hiện nay.

“Công ty CPĐS Hà Thái đã “qua mặt” Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khiến các đơn vị này buông lỏng quản lý để Công ty CPĐS Hà Thái tùy tiện khai thác một cách vô nguyên tắc?”, TS Thủy đặt câu hỏi.

Phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên Công ty CPĐS Hà Thái bị nhắc nhở liên quan đến việc quản lý yếu kém để gầm cầu Thăng Long bị “xẻ thịt”. Đã quá nhiều lần, Bộ GTVT, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ra văn bản nhắc nhở nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Cây, một đơn vị quản lý yếu kém như công ty CPĐS Hà Thái thì Bộ GTVT đáng lý ra phải xử lý nghiêm, đồng thời xem xét không cho đơn vị này tiếp tục quản lý, để cho một doanh nghiệp có năng lực làm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn