MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bamboo Airways lỗ nặng trong năm 2022. Ảnh: Chụp màn hình.

Bamboo Airways chi 11.000 tỉ trả nợ vay, lỗ nặng vì trích lập gần 12.500 tỉ đồng

Quang Dân LDO | 15/06/2023 09:03

Toàn bộ dàn lãnh đạo HĐQT của Bamboo Airways đồng loạt xin nghỉ. Danh sách ứng viên bầu HĐQT mới chưa được tiết lộ. Trước đó, báo cáo tài chính đã kiểm toán Bamboo Airways cho biết, trong năm 2022, công ty đã trích lập các khoản dự phòng phải thu (ngắn hạn/dài hạn) khó đòi. Đây được coi là động thái quyết liệt của công ty trong quá trình tái cơ cấu, “rũ sạch” những tài sản xấu và phản ánh đúng thực trạng công ty.

Lỗ sau thuế hơn 17.600 tỉ đồng, tài sản "bốc hơi" hơn 8.800 tỉ đồng

CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.732 tỉ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.

Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỉ đồng. Mức lỗ gộp này cải thiện đáng kể so với con số hơn 4.060 tỉ đồng năm 2021.

Thế nhưng, do trong kì chi phí quản lí doanh nghiệp nhảy vọt từ 158 tỉ đồng lên 12.750 tỉ đồng là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways báo lỗ sau thuế hơn 17.619 tỉ đồng, trong khi cùng kì lỗ 2.280 tỉ đồng.

Doanh thu tăng, lỗ gộp giảm đáng kể, thế nhưng chi phí doanh nghiệp tăng mạnh khiến Bamboo Airways lỗ nặng. Ảnh: Chụp màn hình.

Thua lỗ nặng nề khiến lỗ luỹ kế tại Bamboo Airways tính đến cuối năm 2022 đạt 19.335 tỉ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu ở mức 18.500 tỉ đồng. Kết quả, kết thúc vừa qua, vốn chủ sở hữu Bamboo Airways âm gần 836 tỉ đồng.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản Bamboo Airways đạt 18.007 tỉ đồng, giảm 8.850 tỉ đồng, tương ứng 33% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn 10.442 tỉ đồng và tài sản dài hạn 7.565 tỉ đồng.

Một số biến động đáng chú ý khiến tài sản Bamboo Airways giảm mạnh trong năm qua bao gồm: Tiền và các khoản tương đương tiền “bốc hơi” hơn 1.000 tỉ đồng, từ 1.122 tỉ đồng (năm 2021) về còn 85 tỉ đồng (cuối năm 2022).

Các khoản phải thu giảm 7.222 tỉ đồng (bao gồm thu ngắn hạn và dài hạn), từ 16.456 tỉ đồng (cuối năm 2021) về 9.232 tỉ đồng (cuối năm 2022). Đáng chú ý, biến động này đến từ việc Bamboo Airways đã mạnh tay trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi hơn 12.492 tỉ đồng.

Song song với việc trích lập dự phòng hơn hơn 12.492 tỉ đồng trên bảng cân đối, chi phí quản lý doanh nghiệp trên báo cáo kinh doanh của Bamboo Airways đã tăng thêm 12.592 tỉ đồng, phần nào phản ánh Bamboo Airways đã ghi nhận chi phí cho việc trích lập dự phòng thu ngắn hạn và dài hạn nói trên. Điều này đồng nghĩa nếu trong năm 2023 và những năm tiếp theo Bamboo Airways nếu thu hồi số tiền này thì có thể hoàn nhập và ghi tăng lợi nhuận.

Bamboo Airways trích lập dự phòng gần 12.500 tỉ cho các khoản phải thu khó đòi. Ảnh: Chụp màn hình.

Đồng thời, Bamboo Airways cũng đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn gần 731 tỉ đồng, khiến danh mục đầu tư tài chính dài hạn Bamboo Airways giảm từ 926 tỉ đồng về còn 210 tỉ đồng.

Chi gần 11.000 tỉ đồng trả nợ vay vẫn chưa thoát cảnh khả năng trả nợ yếu

Bamboo Airways chi gần 11.000 tỉ đồng trả nợ gốc đi vay trong năm qua. Ảnh: Chụp màn hình.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả Bamboo Airways còn 18.843 tỉ đồng, tăng 87% sau 12 tháng. Bao gồm 17.342 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 1.501 tỉ đồng nợ dài hạn.

Qua đó, có thể thấy, kết thúc năm 2022, nợ ngắn hạn (17.342 tỉ đồng) của Bamboo Airways đã vượt tài sản ngắn hạn (10.442 tỉ đồng). Điều này đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn tại Bamboo Airways là 0,60.

Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Tại ngày 31.12.2022, nợ vay tài chính tại Bamboo Airways còn 10.623 tỉ đồng, tăng thêm 123% so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu trong đó là nợ vay ngắn hạn với 10.115 tỉ đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Bamboo Airways cho biết, năm qua, doanh nghiệp này đã thu xếp được gần 11.000 tỉ đồng tiền trả nợ gốc đi vay, tăng mạnh so với còn số 3.500 tỉ đồng năm trước đó.

Dàn lãnh đạo HĐQT Bamboo Airways đồng loạt từ nhiệm

Công ty CP Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào ngày 21.6.

Đáng chú ý, Bamboo Airways dự trình Đại hội thông qua miễn nhiệm thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.

Cả 5 thành viên này đã có đơn xin từ nhiệm trước đó. Bên cạnh đó, công ty sẽ bầu HĐQT mới, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với 7 thành viên.

Trong số người xin từ nhiệm, ông Nguyễn Ngọc Trọng (SN 1957) là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways từ tháng 8.2022. Được biết, ông Trọng gắn bó với hãng hàng từ ngày đầu thành lập.

Ông Lê Bá Nguyên và ông Doãn Hữu Đoàn giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty. Ông Nguyên là anh vợ của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Hiện tại, ông Nguyên là Chủ tịch HĐQT FLC. Ông Đoàn tham gia vào HĐQT Bamboo Airways tháng 8 năm ngoái và cũng giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực hãng bay này.

Ông Nguyễn Mạnh Quân từng làm Tổng giám đốc Bamboo Airways từ tháng 7.2022 nhưng đã xin từ nhiệm vai trò này vào cuối tháng 5.2023.

Ông Lê Thái Sâm - thành viên Hội đồng quản trị FLC lẫn Bamboo Airways là người cho hãng bay này vay tín chấp hơn 7.700 tỉ đồng.

Bamboo Airways cũng trình Đại hội thông qua miễn nhiệm 3 thành viên Ban kiểm soát là ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Phùng và Nguyễn Đăng Khoa. Công ty sẽ bầu 3 thành viên để thay thế cho Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Danh sách ứng viên để bầu tham gia HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới chưa được tiết lộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn