MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu lo lắng sẽ bị lặp lại trường hợp nông sản Việt bị nước ngoài đăng ký thương hiệu nếu các chủ thể không tích cực tham gia, thực hiện. Ảnh: Nhật Hồ

Bàn cách bảo vệ thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế

NHẬT HỒ LDO | 29/12/2023 16:07

Bài học rút ra từ các nông sản Việt nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột… đã từng bị nước ngoài đăng ký độc quyền, sau đó phải mất rất nhiều thời gian để chật vật lấy về lại đúng nơi sản xuất.

Phát biểu tại hội thảo diễn ra ngày 29.12 tại Bạc Liêu, ông Lê Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ - nêu lên thực tế đã diễn ra từ lâu nhưng đó là bài học lớn.

Ông Lê Duy Anh dẫn chứng, đã có nhiều thương hiệu nông sản Việt bị lấy mất ở thị trường nước ngoài như: Nước mắm Phú Quốc bị các công ty tại Thái Lan sử dụng trên các sản phẩm nước mắm của họ xuất khẩu sang Mỹ, Úc và châu Âu; nước mắm Phan Thiết bị đăng ký tại Mỹ; cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc; cà phê Đắk Lắk bị đăng ký tại Pháp...

Chính vì vậy, theo ông Duy Anh, việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Lê Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Hồ

Tại hội thảo, các chuyên gia, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan ban ngành đã có nhiều chia sẻ về các nội dung như: Quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản địa phương; thực trạng và kinh nghiệm trong việc bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Giải pháp cho việc quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu đối với các đặc sản địa phương khu vực phía Nam…

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Duy cho biết, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình ở nước ngoài (Mỹ, Châu Âu, Hà Quốc, Úc, Canada, Anh…), điều này rất quan trọng đối với doanh nghiệp có chiến lược xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Muối Bạc Liêu là một trong số ít sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Nhật Hồ

Theo Thạc sĩ Lê Quốc Hội, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2019 – 2023, số đơn đăng ký nhãn hiệu nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ khoảng 245 đơn và số giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ được cấp cho các tổ chức, cá nhân của tỉnh Bạc Liêu khoản 178 giấy chứng nhận.

Tính đến tháng 12.2023, có 132 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 119 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn