MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng công ty Điện lực miền Nam là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam. Ảnh: EVNSPC

Bán điện thu về 1.000 đồng, Điện lực miền Nam chỉ lãi vỏn vẹn 1,7 đồng

Quang Dân - Đức Mạnh LDO | 31/05/2023 12:59
Kết thúc năm 2022, doanh thu Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt 152.708 tỉ đồng, tăng 10%. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 261 tỉ đồng, giảm đến 74% so với cùng kì.

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, ghi nhận doanh thu thuần đạt 152.708 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của EVNSPC là doanh thu bán điện với 151.778 tỉ đồng, so với cùng kì là 137.825 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng 12% lên 147.428 tỉ đồng khiến lãi gộp tại EVNSPC chỉ còn 5.280 tỉ đồng, giảm 22% so với năm 2021.

Đi kèm với đó, doanh thu hoạt động tài chính đạt 224 tỉ đồng, giảm 48%. Chi phí tài chính tăng 50% lên 615 tỉ đồng là những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của EVNSPC lui về còn 261 tỉ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kì đạt hơn 1.004 tỉ đồng. 

Điều này đồng nghĩa với tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) tại EVNSPC là 0,17%, tương ứng với cứ thu về được 1.000 đồng thì EVNSPC chỉ lãi sau thuế 1,7 đồng (năm 2021, cứ 1.000 đồng doanh thu, công ty lãi 7,2 đồng).

Doanh thu tăng cao nhưng lợi nhuận của EVNSPC lại giảm mạnh trong năm qua. Ảnh chụp báo cáo tài chính EVNSPC

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện nay, đơn vị này đang kinh doanh điện năng và vận hành lưới điện phân phối trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận đến tỉnh Cà Mau (trừ TPHCM).  

Ngoài ra, EVNSPC cũng cung cấp các dịch vụ khác có liên quan như khảo sát, tư vấn, thiết kế và thi công các công trình điện; lắp đặt, sửa chữa và thí nghiệm điện; kinh doanh hoạt động viễn thông; tiến hành các dịch vụ cho thuê thiết bị điện và các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ khác.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản EVNSPC đạt 49.382 tỉ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt doanh nghiệp còn gần 34 tỉ đồng; tiền gửi ngân hàng không kì hạn hơn 1.126 tỉ đồng; tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng, hưởng lãi suất từ 0,1% đến 5,6%/năm tại các ngân hàng thương mại là 1.021 tỉ đồng.

Ngoài ra, EVNSPC cũng ghi nhận hơn 3.345 tỉ đồng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng với lãi suất được hưởng tử 3,7%/năm đến 7,7% năm.

Đem hàng nghìn tỉ đồng đi gửi ngân hàng giúp EVNSPC thu về hơn 170 tỉ đồng lãi trong năm qua, cao hơn nhiều so với con số 147 tỉ đồng của năm 2021.  

Bên cạnh đó, EVNSPC cũng ghi nhận 2.221 tỉ đồng hàng tồn kho và hơn 3.965 tỉ đồng chi phí xây dựng dở dang. 

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả EVNSPC tại ngày 31.12.2022 đạt 31.084 tỉ đồng, tăng 10% sau 12 tháng. Chiếm phần lớn trong khối nợ của doanh nghiệp là nợ vay tài chính với 15.453 tỉ đồng, bao gồm 2.178 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 13.275 tỉ đồng nợ vay dài hạn.  

  Biến động nợ vay tài chính và chi phí lãi vay của Điện lực miền Nam. Đồ hoạ: Đức Mạnh 

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, những ngày vừa qua, câu chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 26.000 tỉ đồng năm 2022, còn các công ty phát điện, gồm đơn vị thành viên của EVN, vẫn lãi trở thành chủ đề nóng được dư luận quan tâm. 

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có thể được xem là các doanh nghiệp “hạt nhân”, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp, phân phối điện cho 61 tỉnh thành trên cả nước. 

Tuy nhiên, cập nhật báo cáo tài chính của cả 3 doanh nghiệp ngành điện trên cho thấy, bất chấp doanh thu tăng trưởng mạnh trong những năm qua, lợi nhuận sau thuế của cả EVNNPC, EVNCPC và EVNSPC đều có xu hướng giảm mạnh. 

Bên cạnh đó, nợ phải trả, nợ vay tài chính của 3 công ty con của EVN cũng “phình to” theo thời gian. Từ đó mỗi năm EVNNPC, EVNCPC và EVNSPC đang phải chi ra hàng trăm tỉ đồng để trả lãi vay tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn