MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bán lẻ truyền thống chật vật tồn tại trước làn sóng mua bán online

Thu Giang LDO | 15/04/2023 14:58

Các thương hiệu, kinh doanh bán lẻ truyền thống tại TP Hà Nội đang gặp sức ép cạnh tranh rất lớn với thị trường mua bán online, sàn thương mại điện tử. 

Theo ghi nhận của PV Lao Động, rất nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống tại TP Hà Nội đang rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm sau thời điểm Tết Nguyên đán 2023.

Nguyên nhân được nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh nhận định là do đang gặp sức ép, cạnh tranh khi thị trường mua bán online sôi động, khiến phân khúc bán lẻ truyền thống đang dần thất thế.

Đau đầu tìm giải pháp duy trì mặt bằng kinh doanh, chị Hoàng Tố Nga (quản lý cửa hàng thời trang trên phố Cầu Giấy) tâm sự, mua sắm online bùng nổ sau dịch COVID-19 nên nhiều cửa hàng buôn bán truyền thống đang dần mất khách.

Chị Nga kể, có những hôm khách hàng chỉ vào xem, họ so sánh giá cả rồi về mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử. 

Phân khúc bán lẻ truyền thống đang dần thất thế. Ảnh: Thu Giang 

"Những cửa hàng truyền thống bây giờ đều có số phận chung là ế ẩm. Khác với buôn bán online, cửa hàng kinh doanh theo hướng truyền thống sẽ phải gánh thêm các chi phí như mặt bằng, tiền thuê nhân viên, duy trì cửa hàng..." - chị Nga nói. 

Tương tự, chị Ngọc Trâm (kinh doanh quán tạp hoá ở phố Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho rằng, nhiều khi khách hàng chỉ vào xem đồ, chọn lên chọn xuống nhưng cuối cùng sau khi so sánh giá cả họ lại quyết định đặt hàng online.

Doanh thu cửa hàng của chị Trâm cũng đang sụt giảm theo tháng và không còn thời "hoàng kim" như trước dịch COVID-19. 

Ở góc độ là người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Tuyết (ngõ 73 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) chia sẻ, lâu nay chị thường đặt mua hàng hoá online vì thấy chất lượng khá ổn, trong khi giá mua có thể rẻ hơn mua trực tiếp tại các cửa hàng từ 50.000 - 70.000 đồng/tuỳ sản phẩm.

Báo cáo ngành bán lẻ do hãng tư vấn McKinsey vừa công bố cho thấy, 60% người tiêu dùng Việt đang tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu hiện đạt 5,5% một năm, cao hơn mức chung của khu vực, cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội.

Bán lẻ truyền thống gặp sức ép cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thu Giang

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) - trước đó cũng đánh giá, thị trường bán lẻ, xu thế tiêu dùng của khách hàng sau dịch COVID-19 đã có sự thay đổi.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, thực tế này buộc các ngành hàng, doanh nghiệp trong nước phải cân nhắc kênh bán hàng tối ưu, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh để gia tăng hiệu quả hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh thị trường gay gắt hơn.

Ngoài ra, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu mà doanh nghiệp bán lẻ cần phải chuẩn bị.

Dự báo xu hướng ngành bán lẻ năm 2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng nhận định, bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. 

Đặc biệt, người tiêu dùng có xu hướng sẽ đọc và xem nhiều hơn các đánh giá, đặc biệt từ các KOLs, những người có ảnh hưởng (influencers). Các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ tập trung cho các hạng mục marketing, chuyển đổi số liên quan đến quản trị và trải nghiệm khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn