MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bán trái cây online, đường dài mới biết ngựa hay

Hiếu Anh LDO | 01/06/2023 15:00
Nhiều sản phẩm nông nghiệp như trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt làm mưa làm gió thị trường online. Thế nhưng đây có phải giải pháp căn cơ cho việc phát triển thị trường nông sản ở Việt Nam?

Tốt cho người bán, chưa chắc tốt cho người tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều sản phẩm như gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu đột xuất nổi lên. Điều này có thể bắt nguồn từ việc người sản xuất gặp khó khăn khi bán sản phẩm. Do đó, họ đã nghĩ ra sản phẩm mới, cách làm mới.

Tuy nhiên ở góc độ hiệp hội, ông Bình cho rằng, đây chỉ là vấn đề tự phát chưa thể là xu hướng phát triển nông nghiệp. Ví dụ như sản phẩm trà mãng cầu nhiều trang mạng xã hội thổi phồng công dụng nhưng thực tiễn chưa có công trình khoa học nào chứng minh. Hay như sản phẩm gà măng cụt cũng được đánh giá là chất lượng ngon đặc biệt. Tuy nhiên những vấn đề này còn cần thời gian kiểm chứng. Thế nhưng, một vấn đề chắc chắn đã xảy ra là giá cả mặt hàng trà mãng cầu và măng cụt xanh đẩy cao đột biến. Vấn đề này tốt cho người bán. Tuy nhiên chưa chắc tốt cho người tiêu dùng.

Do đó người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn các sản phẩm như măng cụt xanh, trà mãng cầu để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho mình.

Mãng cầu trở nên đắt hàng trong mùa hè năm nay. Ảnh: Hoài Luân

Đi vào vấn đề cốt lõi

Chia sẻ về giải pháp phát triển thị trường nông sản, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, một số sản phẩm nông sản phát triển tự phát đột biến chưa thể là giải pháp căn cơ cho nền nông nghiệp. Bởi qua thời gian những sản phẩm này không còn độ “hot” cũng sẽ không thể trở thành xu hướng của thị trường.

Để phát triển thị trường nông sản, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, ở mặt tổng thể, nhà nước cần có định hướng cụ thể về phát triển nông nghiệp. Thứ hai là cần nghiên cứu kỹ định hướng thị trường. Các cơ quan chức năng nghiên cứu thị hiếu của thị trường trong nước quốc tế, những thay đổi lớn xu hướng thị trường qua đó có chiến lược phát triển phù hợp.

"Xu hướng ở đây, tôi muốn nói là xu hướng lớn, toàn diện, lâu dài chứ không chỉ một nhóm nhỏ thị trường nổi lên rồi phát triển theo. Nếu làm như vậy rất dễ rơi vào điệp khúc khủng hoảng thừa" - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm đặc sản phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, qua đó xây dựng thương hiệu một cách bền vững.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam - cho biết, vấn đề phát triển nông nghiệp không thể phụ thuộc vào một vài hiện tượng mới nổi. Để phát triển nông sản bền vững cần tập trung vào vấn đề cốt lõi, đó là chất lượng sản phẩm.

Ông Dũng nhận định, hiện nay một trong những điểm yếu nhất của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam là thiếu tính đồng bộ. Ví dụ như vấn đề đất trồng cây đòi hỏi quá trình cải tạo lâu dài liên tục và kiểm soát tốt. Thế nhưng, người nông dân mải chạy theo thị trường, vùng đất đang trồng cây này mai trồng cây khác thiếu tính ổn định.

Ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, để nông sản Việt Nam phát triển ổn định, chúng ta cần một chiến lược tổng thể lâu dài.Theo đó, cơ quan chức năng phải quy hoạch vùng nguyên liệu với những cánh đồng mẫu lớn, tiến hành cải tạo đất, đảm bảo đồng bộ giống, khí hậu, nguồn nước…

Khi các sản phẩm tạo được tính đồng bộ, từ kích thước, màu sắc chất lượng khi đó chúng ta mới tạo ra đường thị trường hàng hóa. Khi có nền sản xuất hàng hóa, chúng ta mới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn