MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CTCK Bản Việt đã thoái sạch vốn khỏi Savimex

Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng bất ngờ thoái sạch vốn tại Savimex

Bảo Chương LDO | 05/12/2018 11:26

CTCK Bản Việt do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch hội đồng quản trị đã không còn là cổ đông lớn của Savimex (mã SAV) sau khi bán toàn bộ hơn 2,5 triệu cổ phiếu SAV (tương đương 19,15%).

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) vừa có báo cáo về việc giao dịch cổ phiếu của Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex.

Cụ thể, VCI đã bán ra hơn 2,5 triệu cổ phiếu SAV. Với giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Chứng khoán Bản Việt tại Savimex đã giảm xuống 0%, nên không còn là cổ đông lớn từ ngày 21/11.

Savimex tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Từ 2002, Savimex niêm yết trên sàn giao dịch HoSE, mã chứng khoán SAV. Những ngày giao dịch gần đây, cổ phiếu SAV liên tục suy giảm, mất 210 đồng trong 3 phiên gần nhất, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi gần 3 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm vừa công bố của VCI cho thấy, doanh nghiệp này đạt doanh thu 388 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ tháng 6 – 9/2018. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính là hơn 386,3 tỷ đồng, giảm 6,2%, doanh thu từ hoạt động tài chính là hơn 1,6 tỷ đồng, tăng 17%.

Cũng theo báo cáo, lũy kế doanh thu hoạt động trong 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt tổng cộng 1.414,3 tỷ đồng, tăng 41,2%, trong đó, đóng góp nhiều nhất từ dịch vụ môi giới chứng khoán.

Doanh thu giảm song chi phí hoạt động tăng 18%, chi phí tài chính tăng 29,4%, lần lượt là 97 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Trong kỳ không ghi nhận chi phí bán hàng, chỉ ghi nhận 23 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp.

Kết quả, CTCP chứng khoán Bản Việt đạt hơn 200,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3, giảm hơn 49,7 tỷ đồng so cùng quý năm trước, tức giảm 20%.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp cũng giảm 20%, đạt hơn 160,6 tỷ đồng. Giải trình về việc này, VCI cho biết, doanh thu trong kỳ sụt giảm chủ yếu là do tình hình giao dịch trầm lắng, ảnh hưởng tới hoạt động môi giới và đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của công ty.

Hiện, doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả tới 3.595 tỷ đồng, tăng khá mạnh so 3.382 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, hơn 3.418 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, hơn 176 tỷ đồng nợ vay dài hạn.  Về nguồn tài trợ, VCI có xu hướng chuyển từ vay nợ tài chính sang phát hành trái phiếu khi vay nợ ngắn hạn cuối kỳ giảm hơn 35% so với cùng kỳ xuống còn 927 tỷ đồng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn