MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ phiếu Sabeco đã lập một kỷ lục với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phần, Bộ Công Thương hy vọng sẽ thu về tối thiểu 110.000 tỉ đồng từ thương vụ thoái vốn này.

Bán vốn Sabeco: Lo bị "cá lớn" nuốt chửng

Hoàng Linh LDO | 04/12/2017 17:08

Dù giá cổ phiếu Sabeco cao ngất ngưởng, các “đại gia” không tiếc tiền móc hầu bao mua vốn của hãng bia dẫn đầu thị trường bởi nhìn thấy triển vọng. Sau một thời gian dài là ẩn số, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố chào bán 343,66 triệu cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu.

"Cá mập” lăm le

Với số lượng chào bán chiếm 53,39% vốn điều lệ Sabeco, ước tính Bộ Công Thương có thể thu về tối thiểu 110.000 tỉ đồng từ thương vụ thoái vốn này – con số kỷ lục trong một lần thoái vốn. Và, điều băn khoăn lớn nhất là với mức khởi điểm 320.000 đồng/cổ phần cùng thị giá tăng liên tục của cổ phiếu này trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư phải có tới hàng chục ngàn tỉ đồng để sở hữu được cổ phần hãng bia dẫn đầu Việt Nam. Nói cách khác, thương vụ thoái vốn nêu trên chỉ dành cho nhà đầu tư có tiềm lực cực lớn.

Đại diện bên tư vấn cho Sabeco, ông Võ Hữu Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, đã giải thích cho mức giá “khủng” của thương hiệu bia Sài Gòn là bởi: “Đó là lòng tự hào với sản phẩm bia Sabeco, lòng tự hào của người Sài Gòn, người Việt Nam. Và chính nó làm cho giá cổ phiếu cao hơn. Lợi ích của thương vụ này với nhà đầu tư nằm ở chỗ họ đổ tiền vào một hệ thống cơ sở vật chất và thương hiệu có thể sinh ra tiền; tốt hơn hẳn việc đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào xây dựng hệ thống mà chưa chắc đã làm nổi” – một chuyên gia so sánh.

Chặn tham vọng độc quyền

Thực tế, ngoài Sabeco chiếm hơn 40% thị phần, thị trường còn Heineken hơn 28%, Habeco 12%, Carlsberg 7%, hay các hãng bia khác mới chiếm những thị phần nhỏ bé. Nhưng dù là ai trong số các hãng bia phía sau thì khi mua được 53,59% vốn điều lệ của Sabeco chắc chắn sẽ trở thành người dẫn đầu thị trường bia nội. Cũng không thể thiếu tên tuổi của hãng bia số 1 thế giới được hình thành qua con đường thâu tóm liên tục là AB-Inbev. Với nhà máy bia 50 triệu lít hiện có tại Việt Nam, nếu “nắm” được Sabeco, AB-Inbev sẽ nhanh chóng trở thành “ông lớn” số 1 của ngành bia Việt.

Với quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49%, trừ đi phần đã sở hữu thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua tối đa 38,59% vốn Sabeco. Tuy nhiên, nhà đầu tư hoàn toàn có thể áp dụng “mánh lới” nhằm thâu tóm cổ phần, như: sử dụng nhiều pháp nhân do một nhà đầu tư núp bóng để mua cổ phần; liên kết, bắt tay nhau nhằm giành được lợi thế chi phối; nhà đầu tư nước ngoài “đội lốt” doanh nghiệp trong nước để chiếm được thị phần cao hơn quy định…

Hay ví dụ như một ông lớn có thị phần số 1 thế giới nếu sở hữu Sabeco thì liệu có được coi là tập trung kinh tế không và cơ hội nào sẽ được dành cho các hãng bia mới gia nhập thị trường. Thực tế cho thấy, khi hai hãng bia số 1 và số 2 thế giới sát nhập với nhau, tại rất nhiều thị trường mà ở đó Luật cạnh tranh đi vào đời sống, các hãng bia này đã phải đối mặt với một số yêu cầu nghiêm khắc về việc thực hiện đúng các quy định cạnh tranh bao gồm cả việc bán bớt tài sản hoặc chia tách.

Bộ Công Thương đã đưa ra quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước tại Sabeco. Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua. Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Ngoài ra, trong thực tiễn đầu tư, để bảo mật thông tin, nhà đầu tư có thể sẽ chia nhỏ tỷ lệ tham gia thông qua nhiều công ty khác nhau sao cho dưới ngưỡng 25% để không phải công bố thông tin. Mặc dù Quy chế chào bán cạnh tranh của Sabeco không có quy định trực tiếp hướng dẫn tỷ lệ 25% nhưng đã gián tiếp quy định tại Mẫu số 11 – Thông báo đăng ký mua cạnh tranh cổ phần khối lượng lớn, kèm theo Quy chế, trong đó yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ cổ phiếu dự kiến nắm giữ của không chỉ nhà đầu tư mà của cả người có liên quan. Điều này là phù hợp với các quy định pháp luật chứng khoán khi tỷ lệ 25% được xác định bao gồm của cả nhà đầu tư và người có liên quan, tránh việc nhà đầu tư né nghĩa vụ công khai thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn