MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Băng rừng, lội suối hái ''lộc rừng'' ở Tây Nguyên

BẢO TRUNG LDO | 29/02/2020 15:28

Hái ''lộc rừng'' không phải là chuyện giản đơn nhưng người dân vẫn bất chấp hiểm nguy, hết băng rừng đến lội suối chỉ để ''săn'' nó nhằm cải thiện thu nhập cho gia đình.

Giữa ánh nắng chói chang cuối tháng 2 ở Tây Nguyên, trên một tuyến đường dài khoảng hơn 5km đi qua xã Krông Á (huyện M'Đrắk, Đắk Lắk), chúng tôi tình cờ bắt gặp rất người dân bày đót ra phơi la liệt. Dò hỏi mới biết vùng này đang đến mùa đót, dân bày cây này ra ''tắm nắng'' rồi đem đi tiêu thụ. Chợt nhớ, chổi quét nhà mà chúng ta vẫn thường gặp phần nhiều được làm từ đót nên còn gọi là ''chổi đót''.

Đót được người dân phơi la liệt trên mặt đường. Ảnh: B.T

''Mùa này, tôi phải dậy từ sớm để lên rừng hái dót. Đót chỉ xuất hiện một lần trong năm nên phải tranh thủ đi hái kẻo hết. Dân trong vùng này cứ đến mùa dót và ai nấy đều hồ hởi đi kiếm 'bát cơm' qua ngày sau kỳ nghỉ Tết.  Cây đót mọc sâu trong rừng nên hái nó khá vất vả, băng rừng lội suối để tìm kiếm là chuyện bình thường. Tôi ngày nào cũng đi với một anh hàng xóm vào rừng hái đót từ sớm, công việc này kéo đến tận chiều muộn. Dù khó khăn, vất vả nhưng cũng cố làm để kiếm ít đồng nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đi vào rừng sâu phải có bạn đồng hành vì chẳng thể nào lường trước được những hiểm nguy rình rập, không cẩn thận có khi chẳng về gặp được vợ con.'', một người đàn ông người H'Mông bản địa cho biết.

Hái được cây đót này không phải là việc giản đơn, dân đi hái loại cây này rất nhọc công và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ảnh: B.T

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Đrắk, mọi năm cứ từ tháng chạp đến hết tháng 2 âm lịch dân vùng này lại lên rừng hái đót mưu sinh. Cả 12 xã của huyện đều có người dân đi lên rừng hái đót, người kinh cũng có, người đồng bào thì lại càng đông. Đôi hồi, dân trong vùng cứ gọi đót bằng cái tên nghe cũng rất êm tai  - ''lộc rừng''.

Tuy đót có giá trị kinh tế không cao nhưng có thể phần nào giải quyết khó khăn cho người dân trong vùng. Ảnh: B.T

Có một nghịch lý, cái gọi là ''lộc rừng'' này lại chẳng có giá trị kinh tế là bao nếu cắt nghĩa cái tên người dân bản địa gán ghép cho nó. Mỗi ký đót tươi (chưa phơi khô) hiện chỉ được các thương lái thu mua giá thành từ 5.000 đến 6.000 đồng, bất chấp việc mỗi năm đót chỉ xuất hiện một lần, việc tìm kiếm nó tốn nhiều thời gian, công sức và còn gặp nhiều rủi ro.

Đót tươi sau khi phơi khô có giá thành hơn 20.000 đồng/kg. Ảnh: B.T

Phơi xong bó đót cuối cùng trong ngày, anh Lâm Quốc Việt, tâm sự: Càng về cuối mùa, đót được người dân trong vùng hái về không biết bao nhiêu mà kể. Thấy bà con vất vả nên tôi cũng cố thu mua nhưng ngặt nỗi đem về nhiều mà không có nơi tiêu thụ cũng lỗ vốn. Đót càng về cuối mùa thì càng rẻ, khoảng vài tuần nữa tôi chắc cũng sẽ ''nhổ neo'', đem đót về thành phố tiêu thụ. Nếu dân ở đây siêng năng cũng có thể hái được hơn 30kg (khoảng 150.000 đến 200.000 đồng). Số tiền này thực sự chẳng thấm vào đâu so với công sức mà họ đã bỏ ra. Thấy vậy, nên thương lái chúng tôi cũng xót thương, cố thu mua cho hết.

Sau mùa thu hoạt đót này, nông dân ở huyện này sẽ tập trung cho những cây nông sản chủ lực ngắn và dài ngày. Ảnh: B.T

Ông Nguyễn Thế Thập - Trưởng phòng NNPTNT huyện M'Đrắk cũng nhận định, huyện chúng tôi là một trong những huyện có diện tích khá lớn ở Đắk Lắk. Cảnh người dân kéo nhau đi hái đót khi cây này đến mùa nở bông đã trở nên quá quen thuộc. Ý thức được việc hái đót vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên chúng tôi cũng thông tin cho các cán bộ nông nghiệp ở xã nên nhắc nhở bà con cẩn thận, mang theo các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi vào rừng. Sau đợt thu hoạch này, nông dân ở huyện sẽ tập trung cho những loại cây nông sản chủ lực của vùng như cà phê, hồ tiêu, mía...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn