MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lồng bè nuôi trồng thủy sản ở Bình Hưng tan nát do sóng lớn gây ra. Ảnh: CC

Bão Rai đánh sập toàn bộ bè nuôi tôm hùm, tiền tỉ của dân chìm sâu đáy biển

Hữu Long LDO | 21/12/2021 08:25

Bão Rai tuy đã đi qua nhưng để lại cho người nuôi trồng thủy sản ở đảo Bình Hưng, Khánh Hòa hàng đống nợ nần chồng chất. Ít ai ngờ rằng chỉ một đêm sau bão, tài sản của người dân chìm sâu dưới đáy biển.

Mất trắng tài sản

Bão số 9 kết hợp với không khí lạnh trong đêm 18, rạng sáng 19.12 đã khiến nước biển dâng cao, sóng lớn bất thường làm toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) bị đánh sập hoàn toàn.

Hầu hết lồng bè nuôi ở Bình Hưng đều bị thiệt hại do bão Rai gây ra. Ảnh: CC 

Mãi cho đến ngày 21.12, khi thời tiết thuận lợi, người dân đảo Bình Hưng mới bắt đầu khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại do bão gây ra.

Ở khắp khu vực đảo Bình Hưng giờ đây, đâu đâu cũng chỉ thấy cảnh lồng bè nuôi hải sản bị bão đánh tan nát, dồn thành một đống gỗ, phao, lưới nằm la liệt, ngổn ngang.

Sáng sớm 21.12, chị Đào Thị Ngọc Thảo cùng chồng vẫn ngụp lặn dưới biển để tìm kiếm, lượm nhặt lại tài sản của gia đình. Sau một hồi tìm tài sản, 2 vợ chồng đã vớt được một ít tôm hùm còn sót lại. Theo lời chị Thảo, hôm qua (20.12) đến giờ, 2 vợ chồng chị vớt được khoảng 200 con tôm hùm. Con số tuy ít nhưng có còn hơn không...

Chị Thảo cho hay, chỉ một cơn bão bất thường đã khiến 30 ô lồng, trong đó 20 lồng nuôi tôm hùm đều đến thời kỳ xuất bán, đã biến mất dưới đáy biển. Ước tính thiệt hại hơn 2 tỉ đồng...

Người dân bất ngờ trước diễn biến bất thường của bão. Ảnh: CC 

Không may mắn như vợ chồng chị Thảo, anh Võ Đủ lâm vào cảnh trắng tay khi bão đã đánh sập 20 lồng nuôi tôm hùm xanh đến ngày xuất bán. Anh Võ Đủ nói rằng, mỗi lồng bè trị giá hàng trăm triệu đồng, ước tính hàng tỉ đồng.

“Vợ chồng tôi tính vài ngày sẽ xuất bán lứa tôm này để trả nợ ngân hàng và dư ra một khoản tiêu trong dịp cuối năm. Với thiệt hại như thế này, gia đình vỡ nợ, không thể tái đầu tư được” - ông Võ Đủ cho biết.

Thống kê của xã Cam Bình cho thấy, toàn xã có khoảng 10.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tôm hùm xanh, trong đó ở đảo Bình Hưng có khoảng 120 bè, gần 5.000 lồng. Đa số bà con nơi đây đều vay vốn ngân hàng để nuôi tôm.

Đa phần người dân mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ để giúp họ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Xa hơn nữa, các ngân hàng, đơn vị cho nông dân vay vốn xem xét tạo điều kiện gia hạn các khoản vay hoặc có những quy định nới lỏng để bà con có thể sớm nuôi trồng, đánh bắt trở lại.

Những gì còn sót lại sau trận bão vừa qua. Ảnh: CC 

Hàng trăm tỉ chìm dưới đáy biển

Người dân ở đảo Bình Hưng cho biết, nhiều năm qua, các cơn bão tuy có đổ bộ vào đất liền nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến các lồng bè của họ.

Tuy vậy, cơn bão số 9 lần này gây sóng lớn bất ngờ cao từ 6 - 8m. Sóng lớn khiến người dân bất ngờ. Chưa hết, sóng còn lùa các bè tấp dồn lại, va đập, xô đẩy làm hư hỏng hoàn toàn các công trình trên mặt nước và lồng bè…

Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình - cho biết thêm, sáng 19.12, chính quyền địa phương nhận được thông báo của người dân thôn Bình Hưng về bão đánh sập các lồng bè. Tuy nhiên, việc tiếp cận các lồng bè thời điểm bấy giờ là điều không thể bởi sóng cao, nước chảy xiết.  

Sẽ còn rất lâu nữa người dân xã Cam Bình mới trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: CC 

Theo lời ông Linh, bão số 9 lần này đã gây thiệt hại đến khoảng 90% hộ dân thôn Bình Hưng nuôi tôm với số tiền hơn 200 tỉ đồng. 

Trong các ngày 20 và 21.12, UBND xã Cam Bình đang phối hợp Đồn Biên phòng trục vớt các lồng bè bị đánh sập dưới biển. Sau khi thống kê được thiệt hại, xã sẽ báo cáo TP.Cam Ranh để xin ý kiến chỉ đạo. 

“Xã đề nghị thành phố kiến nghị tỉnh liên hệ ngân hàng để hỗ trợ giúp bà con khoanh nợ, cũng như tái cho vay sản xuất để phục hồi đời sống cho bà con” - ông Linh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn