MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân được công ty cung cấp giống lúa đạt chất lượng để gieo trồng. Ảnh: Bích Ngọc

Bao tiêu đầu ra sản phẩm, nông dân Hậu Giang chỉ chờ ngày đếm tiền

VÂN HI LDO | 23/07/2023 14:08

Từ ngày hợp tác bao tiêu sản phẩm với công ty sản xuất lúa gạo, nông dân Hậu Giang sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, không còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Nhờ đó, nông dân thoát khỏi cảnh bấp bênh thương lái ép giá khi tới mùa, cuộc sống của người nông dân thời 4.0 dần được cải thiện rõ rệt.

Thoát cảnh bấp bênh, cuộc sống được cải thiện

Kể từ ngày kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) canh tác, sản xuất lúa gạo đã nhàn nhã hơn vì chuyện gì khó đã có doanh nghiệp lo.

Gần 5 năm nay, lão nông Nguyễn Văn Còn (Long Mỹ, Hậu Giang) thoát khỏi cảnh bấp bênh tìm đầu ra vì toàn bộ 1,5 ha đất ruộng đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc trời bao tiêu sản phẩm, nhờ đó thu nhập gia đình dần ổn định hơn, giá lúa bán ra cũng cao hơn.

Ông Còn cho biết: "Lúc trước làm ruộng cực lắm, nhất là khi tới mùa thu hoạch, lúc đó thương lái toàn mua lúa khô. Cực nhất phải vận chuyển từ ruộng về nhà để phơi, chưa kể mùa mưa, lúa phơi không được, có đợt phơi tận 10 ngày mới bán được, gây thất thoát nhiều lắm".

Theo lão nông này, việc làm ruộng của gia đình ông nay đã đỡ vất vả hơn, từ việc được cung cấp giống lúa đạt chất lượng, tới thu hoạch công ty sẽ cho người đến cân bán ngay tại ruộng và gần đây nhất là được hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa vào canh tác.

"Phun thuốc bây giờ khỏe lắm, nông dân đâu còn phải lội ruộng vác bình xịt, tới thời điểm phun, công ty cho người xuống dùng máy bay để phun không chỉ nhanh mà còn tiết kiệm, tôi chỉ việc đứng trên bờ quan sát" - ông Còn nói.

Thiết bị máy bay phun thuốc cho đồng ruộng được công ty hỗ trợ đưa vào sử dụng phục vụ nông dân. Ảnh: Bích Ngọc

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thật (Long Mỹ, Hậu Giang) sau nhiều lần đắn đo cũng quyết định kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm. "Lúc đó, công ty xuống triển khai kí hợp đồng bao tiêu, vì quen sản xuất theo cách truyền thống, tự phát nên tôi còn do dự chưa kí kết. Sau, thấy anh em nông dân sản xuất hiệu quả, doanh nghiệp lo từ A đến Z nên tôi quyết định kí hợp đồng" - anh Thật cho biết.

"Hiện nay, thiết bị máy móc được đưa vào canh tác, sản xuất thay thế cho con người từ gieo sạ, phun thuốc đến thu hoạch, còn đầu ra đã có công ty lo, nông dân chỉ cần chờ ngày bán lúa xong để đếm tiền" - anh Thật hồ hởi nói.

Chi phí thấp, lợi nhuận cao

Hiện nay, bà con địa phương đã kí kết hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp để cung cấp các loại vật tư, giống lúa đạt chuẩn, trang thiết bị, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn với giá thành thấp hơn 5 - 7% so với giá thị trường.

Ông Còn cho biết: "Phân, thuốc tại các đại lí bán lẻ bên ngoài giá rất cao nên sau thu hoạch trừ hết chi phí, tôi lời không nhiều, mỗi vụ chỉ được gần 25 triệu đồng. Bây giờ, phân bón, thuốc trừ sâu, công ty cung ứng giá thấp hơn 5 - 7% so với thị trường, nhờ đó, mỗi vụ tôi cũng được khoảng 30 triệu đồng" - ông Còn nói.

Ngoài ra, giá lúa được công ty niêm yết lấy theo từng vụ nên bà con thoát khỏi nỗi lo bị ép giá. Theo lão nông này, vụ lúa hè thu năm nay, công ty lấy giá 6.700 đồng/kg cao hơn thị trường 200 - 400 đồng/kg. Với giá này, cuối vụ thu hoạch, ông lời được gần 30 triệu đồng.

Anh Hà Đạt Thịnh - nhân viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, khu vực canh tác, sản xuất lúa gạo của bà con nơi đây là vùng đất trũng, đất manh, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón không khoa học dẫn đến chất lượng hạt gạo cung ứng cho thị trường không cao.

Anh Hà Đạt Thịnh sử dụng điều khiển máy bay từ xa để phun thuốc cho đồng ruộng. Ảnh: Bích Ngọc

"Việc liên kết, kết nối nông dân với doanh nghiệp nhằm tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất lúa gạo đạt chuẩn, hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, hiệu quả. Gần đây nhất là hỗ trợ máy bay phun thuốc cho đồng ruộng, chỉ mất khoảng 30 phút để phun xong 1 ha đất, tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với việc phun thuốc truyền thống giúp việc canh tác của bà con nông dân dễ dàng, đỡ vất vả hơn" - anh Thịnh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn