MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả cá về vùng biển tự nhiên, bảo vệ nguồn lợi biển. Ảnh: Vũ Long

Bảo vệ nguồn lợi biển để khai thác lâu dài, bền vững

Vũ Long LDO | 30/07/2022 17:53

Nguồn lợi biển đang ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Nếu không, biển sẽ chẳng còn gì để đánh bắt.

Khôi phục nguồn lợi biển đang bị khai thác vô tội vạ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2030, các bộ, ban ngành và địa phương sẽ tích cực triển khai “Chương trình truyền thông về biển và đại dương”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang đẩy mạnh truyền thông về nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Bộ NNPTNT đang xây dựng và trình ban hành Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030 (Quyết định số 532/QĐ-TTg ngày 27.4.2022) với mục tiêu quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững.

Là một trong những tỉnh miền biển, Quảng Ninh có vùng biển Cô Tô, đảo Trần đã được các chuyên gia đánh giá là khu vực từng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, một trong những khu dự trữ nguồn gen lớn của dải ven biển Việt Nam. Huyện Cô Tô có hệ sinh thái biển rất đặc thù, gồm: Các rạn san hô, vùng triều, các bãi cát dài và đẹp, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới trên đảo, hệ sinh thái đáy mềm... với mức độ đa dạng loài cao: Gần 1.000 loài thuỷ sinh vật, trong đó nhiều nhất là động thực vật phù du, động vật đáy cỡ lớn, cá biển và san hô...

Bình Định cũng được đánh giá là địa phương bảo vệ tốt hệ sinh thái biển. Sau một thời gian khoanh vùng bảo vệ, tại các khu vực biển, hệ sinh thái rạn san hô bước đầu được phục hồi: Tại Bãi Dứa độ phủ san hô đã đạt 75,6%, ở Hòn Khô Nhỏ đạt 44,3%, ở Hòn Nhàn-Ghềnh Ráng đạt 31,8% và rạn Bãi Trước-Nhơn Châu đạt 23,1%.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Lê Trần Nguyên Hùng, giai đoạn năm 2021 – 2023, Bình Định triển khai dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) hỗ trợ thực hiện tại 2 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng. Nhờ đó, hoạt động của các tổ chức cộng đồng địa phương tiếp tục được nâng cao, năng lực quản lý tốt hơn và thực hiện bảo vệ rạn hô, bảo vệ nguồn lợi biển hiệu quả hơn.

Tăng diện tích bảo tồn biển lên 4%

Theo TS Dư Văn Toán - Viện nghiên cứu biển và hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mô hình bảo tồn đa dạng sinh học hiện có trên vùng biển Việt Nam chỉ đạt 0,4% diện tích bảo tồn biển. Khu bảo tồn biển cố định có tác dụng bảo vệ các cá thể sống cố định, không di cư nhưng lại không hiệu quả trong việc bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng nghìn kilômét như cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển... là đối tượng có nguy cơ bị đánh bắt rất cao

Do đó, cần xây dựng bộ tiêu chí và thiết lập hệ thống các khu bảo tồn biển di động trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt khu vực biển ngoài khơi gần với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; kết nối hệ thống 16 khu bảo tồn biển cố định, các khu bảo vệ san hô, khu dự trữ nguồn lợi hiện có với các khu bảo tồn biển di động mới để hoàn chỉnh hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam. Điều này có thể đáp ứng chỉ tiêu gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 theo mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này đã thành lập và đưa vào hoạt động khu bảo tồn biển Lý Sơn, trong đó đã thành lập và kiện toàn Tổ tình nguyện viên bảo vệ, bảo tồn rùa biển trên đảo này. Hằng năm, Quảng Ngãi thả tái tạo nguồn lợi thủy sản với gần 10 ngàn con giống thủy sản các loại tại các hồ chứa, sông và vùng biển ven bờ.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cũng cho hay, Bình Định đang đẩy mạnh nuôi thả và giảm lượng đánh bắt gần bờ. Trong đó, nuôi trồng thủy sản cần tập trung đẩy mạnh nuôi ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo được nguồn lợi biển bền vững cho khai thác lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn