MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BaoVietBank lợi nhuận vài chục tỉ nhưng ôm nợ xấu hàng nghìn tỉ đồng. Ảnh: BaoVietBank.

BaoViet Bank lợi nhuận vài chục tỉ đồng, nợ xấu hàng nghìn tỉ đồng

Minh Ánh LDO | 21/01/2024 17:00

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 và lũy kế năm 2023 với tỉ lệ nợ xấu chạm ngưỡng 4%, nợ xấu tại VAMC (Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) vẫn chưa sạch.

Thu nhập ngoài lãi giảm sút, lợi nhuận "bốc hơi"

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) ghi nhận thu nhập lãi thuần trong cả năm 2023 đạt 1.400 tỉ đồng, tăng 75% so với năm 2022.

Nguyên nhân là do thu nhập lãi cho vay khách hàng tại BaoViet Bank tăng mạnh từ 780 tỉ đồng (ghi nhận 31.12.2022) lên 1.332 tỉ đồng (ghi nhận 31.12.2023). Ngoài ra, thu nhập lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ cũng tăng, ghi nhận ở mức 126 tỉ đồng.

Ảnh trích chụp báo cáo tài chính.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng này ghi nhận lỗ 56 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2022, BaoViet Bank lỗ 124 tỉ đồng). Ngoài ra, lỗ thuần từ hoạt động khác lên tới 192 tỉ đồng, trong khi năm trước đó lãi gần 84 tỉ đồng.

Về phần chi phí, chi hoạt động của ngân hàng này trong năm 2023 tăng lên gần 806 tỉ đồng so với con số 741 tỉ đồng hồi năm ngoái.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt lên 1.072 tỉ đồng, tương đương 91%. Đây chính là lý do khiến lợi nhuận trước thuế của BaoViet Bank tăng trưởng âm, chỉ đạt 89,6 tỉ đồng, giảm 1% so với năm trước.

Còn nhớ, trong Đại hội cổ đông đầu năm, BaoViet Bank đặt mục tiêu cả năm 2023 đạt 95 tỉ đồng lãi trước thuế. Với kết quả kinh doanh trên, BaoVietBank không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Nợ xấu nội bảng phình to, nợ xấu tại VAMC vẫn chưa sạch

Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của BaoViet Bank đạt 84.644 tỉ đồng, tăng 8% so với đầu năm, trong đó, tiền gửi các tổ chức tín dụng khác là gần 15.600 tỉ đồng.

Tin vui là tiền gửi của khách hàng tăng thêm gần 11.500 tỉ đồng, đạt mức 53.000 tỉ đồng số cuối kỳ, cho vay khách hàng cũng tăng 25%, đạt gần 41.400 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong khi lợi nhuận khiêm tốn, duy trì ở vài chục tỉ đồng thì nợ xấu tại BaoViet Bank vẫn tiếp tục phình to lên đến hàng nghìn tỉ đồng, chưa kể nợ xấu tại VAMC.

Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) ghi nhận cuối năm 2023 giảm nhẹ nhưng nợ xấu lại có dấu hiệu "nhảy nhóm", khi nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lần lượt "nhảy" lên mức 192 tỉ và 1.295 tỉ đồng.

So với con số ghi nhận cuối năm 2022, tổng nợ xấu tại BaoViet Bank tăng lên đến 49%. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% đầu năm lên đến 4%, vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Nợ xấu tại VAMC tính đến 31.12.2023, BaoViet Bank còn gần 3.005 tỉ đồng, tăng hơn 14% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 381 tỉ đồng và con số đã được trích lập dự phòng là gần 888 tỉ đồng.

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là giấy tờ có giá có thời hạn để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng hạch toán nghiệp vụ mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt theo hướng dẫn trong Công văn số 8499/NHNN-TCKT do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 14.11.2013 và Công văn số 925/NHNN-TCKT do NHNN ban hành ngày 19.02.2014.

Trái phiếu đặc biệt này được phân loại là chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, được ghi nhận theo mệnh giá vào ngày giao dịch và sau đó được phản ánh theo mệnh giá trừ dự phòng rủi ro.

Mỗi khoản nợ xấu được bán cho VAMC, ngân hàng nhận được tương ứng 01 trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt tương ứng với giá trị ghi sổ dư nợ gốc của khoản nợ xấu sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó.

Khi hoàn thành thủ tục mua bán nợ xấu, tổ chức tín dụng ghi giảm giá trị ghi sổ của khoản nợ xấu, sử dụng dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng và tất toán tài khoản ngoại bảng theo dõi lãi chưa thu được của khoản nợ xấu đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn