MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thiết bị kích sóng được rao bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chụp màn hình.

Bất chấp cảnh báo, nhiều thiết bị kích sóng vẫn được rao bán tràn lan

TRÍ MINH LDO | 06/11/2023 16:41

Bất chấp cảnh báo từ phía cơ quan chức năng, nhiều thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy vẫn đang được rao bán tràn lan trên "chợ" mạng.

Vẫn rao bán tràn lan

Trên một sàn thương mại điện tử lớn, thiết bị kích sóng được quảng cáo mang nhãn hiệu DM2 Pro đang được rao bán với đủ các mức giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.

Cụ thể, một gian hàng đang bán thiết bị DM2 Pro này với giá 1.900.000 đồng quảng cáo: "Đây là giải pháp cho nhà, văn phòng, nhà hàng, phòng trọ.. bị mất sóng điện thoại. Thiết bị ổn định sóng điện thoại chuyên dụng. Tương thích tất cả nhà mạng".

Đồng thời, thiết bị này cũng được quảng cáo có thể khuếch đại sóng và phát sóng cho điện thoại thu khỏe hơn, giải quyết tình trạng mất sóng của điện thoại.

Một thiết bị kích sóng được rao bán với mức giá gần 2 triệu đồng. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong khi đó, với một nhãn hiệu khác, trên website "thietbikichsong..." đang đăng bán thiết bị "Kích sóng điện thoại GSM FTECH 930 (900MHz).

Không niêm yết cụ thể giá nhưng trang này quảng cáo thiết bị có thể: "Khuếch đại tín hiệu cho tất cả các mạng di động GSM băng tần 900MHz; nhỏ gọn, lắp đặt đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Chi phí thấp, phù hợp cho tòa nhà, khách sạn, quán bar, tầng hầm, văn phòng và gia đình... Phạm vi phủ sóng tốt nhất khi không có vật cản là 50-100m2".

Cơ quan chức năng đã cảnh báo

Vừa qua, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản phản ánh về việc một số website⁄ứng dụng đăng bán thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy trên các website thương mại điện tử bán hàng, các sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, danh sách các thiết bị lặp thông tin di động, kích sóng thuộc các nhãn hiệu kèm theo văn bản bao gồm: Pro DM1, DM2 Pro, Pro DM1/DM2/DM3, ST960, GSM FTECH 930, GSM AT-980, ELE AT-980, ANTN889-340-01, ANTN889-085-01, ANTN889-305-01, ANTN889-230-01, Model DM2, Lintratek KW20L-GWYT-7001, SDAS, ATNJ-GM-80-27, KW20L-GW, GSM 980, RF-1000, GS-AL, RF 2000.

Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần mới được sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động trong hệ thống mạng thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng.

Việc các cá nhân tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng di động có thể sẽ gây nhiễu, khó khăn trong việc kết nối các cuộc gọi của các thuê bao di động khác trong khu vực. Thậm chí, các thiết bị này có thể ảnh hưởng tới trạm thu phát sóng di động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng...

Theo Điều 71 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi vi phạm quy định về gây nhiễu có hại có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện.

Sau khi có phản ánh từ Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có thông báo nhằm ngăn ngừa việc gây nhiễu có hại tới mạng thông tin di động, cơ quan chức năng đề nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử như phản ánh.

Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.

"Nếu người dân, doanh nghiệp phát hiện các website bán các sản phẩm vi phạm nêu trên, vui lòng gửi phản ánh về Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử" - phía Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn