MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất chấp giãn cách, hàng trăm xe tải tập kết chở hàng ở bến xe Nước Ngầm

Nhóm PV LDO | 23/08/2021 17:46

Mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng tại bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hàng trăm xe tải chở hàng hoá tập kết tại đây, không đảm bảo giãn cách, an toàn phòng chống dịch.

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 8.7, Hà Nội đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ đi đến 14 tỉnh, thành phố và ngược lại để thực hiện Chỉ thị số 17 của UBND thành phố Hà Nội.

Thời gian này, nếu như các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình khá vắng vẻ, thì bến xe Nước Ngầm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại đông đúc hơn bao giờ hết. Bến xe này là nơi tập kết và bốc hàng của các xe tải từ các tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… đổ về Hà Nội.

This browser does not support the video element.

Hàng trăm xe tải tập kết hàng hoá tại bến xe Nước Ngầm mỗi ngày. Video: Hoài Anh

Ghi nhận của phóng viên Lao Động, ngày 23.8, tại bến xe Nước Ngầm có hàng trăm xe tải chở hàng hoá tập kết tại đây. Mỗi xe tải chở hàng đều in biển tên nhà xe và dòng chữ “giao nhận hàng”. Shipper và người dân cũng đến điểm tập kết này để nhận hàng và gửi hàng. 

Ở điểm tập kết này, các phương tiện dừng đỗ nhiều giờ. Người đến nhận hàng chỉ cần lấy thẻ gửi xe, không được đo thân nhiệt, sát khuẩn, quét mã QR code, khai báo y tế. Trong khi đây lại là khu vực đông người, khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi một xe tải chở hàng hoá để được tập kết trong bến xe Nước Ngầm sẽ phải trả phí từ 300.000 – 600.000 đồng, tuỳ loại xe và thời gian đỗ tại bến.

Trao đổi với Lao Động, chủ nhà xe T.T (chuyên tuyến Thanh Hoá - Hà Nội) cho biết, xe của chị đến bến xe Nước Ngầm lúc 9h30 và xuất bến lúc 14h. Để có được lốt đỗ, mỗi ngày chị phải trả 300.000 đồng.

"Ở đây không lốt nào giống lốt nào, muốn có lốt thì phải nói chuyện làm sân trước, không phải thích là vào được đâu. Xe tải cỡ lớn giá khoảng 400.000 – 500.000 đồng. Khi vào, bảo vệ sẽ hỏi mấy giờ xuất bến, rồi quy định tiền luôn, đi ngày nào đóng tiền ngày đó. Tất nhiên để được tập kết và bốc dỡ hàng trong bến thì lái xe của có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, xe phải có mã QR Code", chủ nhà xe nói.

Xe tải chở hàng ra vào mỗi ngày. Ảnh: H.A 

Cũng theo chủ nhà xe này, bến xe Nước Ngầm "dễ" hơn các bến khác. Như bến xe Giáp Bát, hiện tại đóng cửa im lìm, các nhà xe không hoạt động tại đó. 

Khi được hỏi tại sao nhiều xe tải đỗ tràn ra đường như vậy, anh Hùng - nhà xe H.T (chuyên tuyến Vinh - Hà Nội) cho biết, do bến xe Nước Ngầm được liên ngành Hà Nội trưng dụng làm địa điểm test COVID-19 nhanh cho khu vực cửa ngõ phía Nam và người dân sống tại quận Hoàng Mai, Thanh Trì…

Mỗi ngày có hàng trăm lái xe tải chở hàng và người dân đến đây test COVID-19, chính vì vậy, xe của các tài xế phải đỗ ở ngoài đường trong thời gian chờ test COVID-19.

Bến xe Nước Ngầm có được phép tập kết hàng hoá?

Khi được hỏi về việc bến xe Nước Ngầm có được phép là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian chống dịch COVID-19 hay không, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc này phải hỏi Sở Công Thương Hà Nội, vì Sở Công Thương chủ trì bố trí các địa điểm trung chuyển hàng hoá.

Người dân ra bến xe Nước Ngầm gửi hàng khá đông đúc. Ảnh: H.A 

Trao đổi với Lao Động, bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, bến xe Nước Ngầm không được phép bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian chống dịch COVID-19.

Lý do bà Trần Thị Phương Lan đưa ra là bởi bến xe Nước Ngầm gần điểm cách ly Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) nên không thể làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hoá được.

Theo Công văn số 2704/UBND-KT ngày 20.8.2021 của UBND TP Hà Nội, trong 5 địa điểm được thành phố bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian chống dịch COVID-19 – cũng không có Bến xe Nước Ngầm.

Cụ thể, 5 địa điểm gồm: Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) và Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn